Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tận trung cho đến phút cuối cùng

12/10/2013 08:30 GMT+7

(TNO) Mỗi khi nghĩ về Đại tướng, điều mang lại ấn tượng lớn nhất trong lòng Trung tướng Đặng Quân Thụy không chỉ vì Đại tướng là một thiên tài quân sự, một con người có nhân cách cao đẹp mà còn là người tận trung với nước, với Đảng, với dân cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

(TNO) Mỗi khi nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, điều mang lại ấn tượng lớn nhất trong lòng Trung tướng Đặng Quân Thụy không chỉ vì Đại tướng là một thiên tài quân sự, một con người có nhân cách cao đẹp mà còn là người tận trung với nước, với Đảng, với dân cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Video: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ (VTV)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đại tướng; Võ Nguyên Giáp; Quốc tang; lễ viếng;Bảo Cầm
Trung tướng Đặng Quân Thụy nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp "là một thiên tài quân sự, một con người có nhân cách cao đẹp mà còn là người tận trung với nước, với Đảng, với dân cho đến khi trút hơi thở cuối cùng" - Ảnh: Reuters

>> Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trung tướng Đặng Quân Thụy, người từng chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét như vậy khi hồi tưởng lại những kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc của ông về vị tướng huyền thoại vừa qua đời, để lại nỗi tiếc thương sâu sắc với cá nhân ông, cũng như người dân Việt Nam.

Đại tướng rất thương lính

Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết ông may mắn được tham gia tác chiến dưới quyền chỉ huy của Đại tướng trong các cuộc chiến tranh như: Việt Bắc (1947), chiến tranh Biên giới (1950) và chiến dịch Điện Biên phủ (1954). Ấn tượng đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự chan hòa, gắn bó, gần gũi của ông với đồng đội.

 

Trung tướng Đặng Quân Thụy từng giữ nhiều cương vị quan trọng trong Quân ủy cũng như trong bộ máy nhà nước. Ông là Ủy viên T.Ư Đảng khóa VII; Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh chủng Hóa học; Tư lệnh Quân khu II; Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa IX; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2002. Ông đã được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý nhất dành cho các tướng lĩnh quân đội.

“Tôi còn nhớ sau Hội nghị biểu dương chiến công trong chiến thắng Việt Bắc 1947, khi đó tôi làm thư ký phục vụ hội nghị. Xong việc, chiến sĩ chúng tôi ngồi quây quần quanh bếp lửa nhà sàn của dân. Ngoài trời gió rét như cắt. Anh em có mấy khúc sắn, bóc vỏ cuộn giấy lại rồi lùi vào than. Đúng lúc đó Đại tướng đi qua, thấy vậy bèn rẽ vào hỏi thăm anh em. Lúc đó anh em rụt rè không dám mời một danh tướng như ông ăn sắn, nhưng sau vài phút, thấy ông hỏi han ân tình, cởi mở, mọi người liền tặng ông khúc sắn. Đại tướng mời mọi người cùng ăn, rồi vui vẻ giơ khúc sắn lên, nói: “Đây là liên hoan mừng chiến thắng các cậu nhé. Lúc đó ai cũng cảm động trước sự thân tình của Đại tướng. Chỉ chi tiết đó thôi cũng đã thấy ông là một danh tướng, người chỉ huy tài ba nhưng lại rất gần gũi, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với anh em chiến sĩ”, trung tướng Thụy kể. 

Ấn tượng thứ hai là Đại tướng rất thương lính. Trong tất cả các lần ông chỉ huy các chiến dịch lớn, tư tưởng xuyên suốt của ông là thắng lợi tối đa nhưng phải thương vong tối thiểu, hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất.

Trong trận chiến tranh Biên giới 1950, ý đồ tác chiến đầu tiên của chúng ta là đánh thẳng vào Cao Bằng, nơi địch đang lập pháo đài kiên cố.

Sau khi Đại tướng điều tra, tính toán thấy rằng nếu đánh thẳng vào Cao Bằng, nơi pháo đài của địch rất kiên cố, thì thương vong sẽ rất lớn, ông quyết định chuyển sang đánh Đông Khê, vị trí nhỏ hơn nằm giữa Cao Bằng và Lạng Sơn nhằm chia cắt địch, vừa thực hiện được mục tiêu giải phóng Cao Bằng, vừa chặn được viện binh của địch từ Lạng Sơn tới. Lần đó đúng như tính toán của Đại tướng, chúng ta chiến thắng và giảm tối đa được tổn thất thương vong.

Trận Điện Biên Phủ năm 1954 cũng vậy, ban đầu chúng ta chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”, nhưng sau đó vào giờ chót, khi mọi thứ đã sẵn sàng cho phương án cũ, Đại tướng vẫn quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc, thắng chắc” vì lúc đó địch đã củng cố quân sự thành một tập đoàn cứ điểm vững chắc, nếu “đánh nhanh, thắng nhanh” thì thương vong sẽ rất lớn, nhất là bộ đội mình chưa có kinh nghiệm đánh vào các cứ điểm kiên cố như vậy của địch.

Không chỉ tính toán, trăn trở mỗi trận đánh làm sao chiến thắng mà giảm tổn thất thương vong, Đại tướng còn đặc biệt quan tâm đến công tác hậu cần tiếp tế cho bộ đội.

Ông luôn yêu cầu phải bảo đảm đủ quân lương và thuốc men chữa vết thương cho thương binh, và luôn kịp thời biểu dương khen thưởng những người làm công tác hậu cần xuất sắc.

Tại trận địa Điện Biên Phủ, hằng ngày, ông đều yêu cầu cơ quan tác chiến lên bản đồ báo cáo chi tiết thương vong bao nhiêu, tác chiến thế nào.

Ông nhiều lần trực tiếp đến thăm thương bệnh binh tại mặt trận, hỏi han tình hình, động viên bác sĩ, y tá, hộ lý chăm sóc thương binh cẩn thận. Cho nên, có những thương binh thấy Đại tướng xuống tận nơi thăm hỏi, đã cảm động ôm lấy ông mà khóc.

Một đời thanh liêm, bình dị 

“Một kỷ niệm khác tôi còn nhớ mãi cho đến nay là trong chiến dịch Biên giới 1950, sau khi đánh xong Đông Khê, địch đang rút chạy từ Cao Bằng về Lạng Sơn, một binh đoàn ở Lạng Sơn cũng ngược lên để đón tàn quân ở Cao Bằng. Lúc bấy giờ tôi đang là cán bộ tác chiến của Sở chỉ huy tiền phương. Hôm đó, khi tôi trực thay kíp trực ban vào khoảng 2 giờ sáng, hai bên đang bàn giao lại nhiệm vụ cũ - mới, thì Đại tướng xuất hiện. Sau khi nắm kỹ tình hình, nghe báo cáo tại cuộc giao ban, ông trao đổi cặn kẽ tình huống và yêu cầu phải chia cắt 2 binh đoàn của địch để chúng không thể gặp nhau nhân lên sức mạnh, quyết tâm tiêu diệt bằng được. Sự có mặt của Đại tướng vào đêm khuya như vậy làm tôi rất xúc động, điều đó chứng tỏ ông trăn trở ngày đêm để tính toán chỉ huy làm sao thắng cho được địch, giảm tổn thất tối đa”, trung tướng Thụy nhớ lại.

Ấn tượng thứ ba là Đại tướng luôn tâm huyết, trăn trở để xây dựng phát triển đất nước. Trung tướng Thụy dẫn chứng: “Khi tôi làm Chủ tịch T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại tướng là Chủ tịch danh dự. Có lần gặp gỡ các cựu chiến binh, ông căn dặn: “Cựu” nhưng không được “cũ”. Cựu chiến binh phải tham gia tích cực vào xây dựng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, không phải bây giờ nghỉ rồi là yên tâm thu vén mà vẫn phải tiếp tục cống hiến, tiếp tục tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Theo trung tướng Đặng Quân Thụy, từ lúc là vị tướng tài ba chỉ huy các trận đánh lẫy lừng, đến khi giữ các trọng trách trong bộ máy nhà nước, rồi đến khi về hưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều luôn nặng lòng với đất nước, luôn quan tâm đến thời cuộc.

Trung tướng Thụy nhớ lại: “Đầu thập niên 1990, khi Bác đã nghỉ rồi, có đơn vị báo cáo với Bác là chúng cháu tổ chức cho anh em học tập Bác Hồ kỹ lưỡng lắm, cho anh em nghiên cứu tài liệu, nghe thuyết trình…, ông dặn ngay: “Học nhưng phải hành đấy nhé!”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thế, ông đã dành cả cuộc đời mình tận trung với nước, tận trung với Đảng, tận trung với dân. Đóng góp lớn lao như thế, nhưng ông không kiêu ngạo, không kể công, luôn tận tụy hết lòng với nhiệm vụ được giao, sống một cuộc đời thanh liêm, bình dị.

Bảo Cầm
(ghi)

>> Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tái bản sách 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ
>> Diễn tập lần cuối hộ tống linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chùa Cót
>> Khu an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cơ bản hoàn thành
>> Tầm nhìn hướng biển của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Cả nước để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Gắn băng tang lên Quốc kỳ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.