Đau đớn chào vĩnh biệt Đại tướng

12/10/2013 15:10 GMT+7

(TNO) Các cựu chiến binh, có người cùng làm việc với Đại tướng năm xưa, tề tựu về đây trong buổi lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống nhất (TP.HCM), để được chào Đại tướng lần cuối.

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Video: Tình cảm của những cựu binh dành cho Đại tướng

 
Ông Nguyễn Long, cựu tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam run run đưa tay chào vĩnh biệt người anh cả của quân đội trước di ảnh Đại tướng

Có người còn sống sót là nhờ Đại tướng, có người tình thân khi làm việc cùng ông 20 năm, có người dù chỉ gặp gỡ đôi lần, tất cả họ dù một thời rất mạnh mẽ trên chiến trường thì nay, tay run run đưa lên trán, mắt đau đớn nhìn di ảnh, chào vĩnh biệt người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Sống sót nhờ Đại tướng đổi phương châm tác chiến

Có mặt tại hội trường từ rất sớm, thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, nguyên Tùy viên Quân sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ngồi lặng lẽ bên ngoài chờ đến lượt vào viếng Đại tướng.

Cũng như các cựu chiến binh khác, khi nghe đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông Phúc không khỏi bồi hồi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông Phúc là Đại đội trưởng, Đại đội 56, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đánh ở đồi C1 và C2.

 
Người cầm di ảnh là ông Trần Bá Hào, nguyên Cục phó Cục Tác chiến (thuộc Bộ Tổng tham mưu), từng làm việc 20 năm với Đại tướng. Bên phải ông Hào là thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, nguyên Tùy viên Quân sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga

Ông Phúc nhớ lại: “Tôi nghĩ nếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) không thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc thì nhiều đồng chí, có cả tôi ở Mường Thanh đã hy sinh. Đó là một quyết định khó khăn nhất với tướng Giáp nhưng đó cũng là quyết định lịch sử. Đối với cá nhân tôi, tôi vô cùng biết ơn và luôn luôn ghi sâu trong lòng mình công ơn đó của Đại tướng”.

Ông Phúc cũng là thiếu tá Tham mưu phó đặc trách về tên lửa của Sư đoàn Phòng không Hà Nội 361, tham gia chiến dịch phòng không 36 ngày đêm. Khi đã về hưu, ông sống ở TP.HCM.

“Khi nghe tin Đại tướng mất, tôi có một cảm giác rất khó tả. Tôi xem ti vi mà lặng đi, không xem được nữa. Cảm động lắm, thương lắm! Với cá nhân tôi, anh Văn luôn trong trái tim tôi với hình tượng người anh thân yêu, Đại tướng huyền thoại”, ông Phúc tâm sự.

Trong đời ông, chỉ vinh dự được trò chuyện với Đại tướng một lần nhưng cả đời ông không bao giờ quên.

Vào ngày 1.6.1989, khi ông Phúc nhận chức Tùy viên quân sự tại Liên Bang Nga, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trùng hợp đi công tác từ Cuba về nghỉ tại nhà khách Liên Xô. Ông Phúc nhân dịp ấy xin đến thăm vì Đại tướng đang bệnh.

“Với tôi, đó là cuộc gặp lịch sử vì lần đầu tiên được gặp anh Văn để bày tỏ lòng biết ơn với anh”, ông Phúc nói.

Buổi gặp năm ấy với ông Phúc là buổi gặp thân tình như hai người anh em, và hôm nay, cũng với cảm giác xúc động, nhưng là cảm giác mất mát khi phải tiễn đưa người anh thân thiết ấy.

20 năm làm việc cho Đại tướng

Mang theo di ảnh Đại tướng Võ nguyên Giáp, ông Trần Bá Hào, cũng đến hội trường từ rất sớm để chờ được viếng Đại tướng.

Ngay khi vừa nhắc đến tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Hào bật khóc, tay che đi đôi mắt nhòe nước. Ông nghẹn ngào kể đã từng làm cán bộ cho Đại tướng 20 năm thời gian miền Nam chiến đấu chống Mỹ.

“Tôi nghĩ đến những năm tháng phục vụ Đại tướng mà giờ ông đã ra đi. Tôi tiếc không có mặt ở Hà Nội để tiễn ông”, ông Hào chia sẻ.

Ông vẫn còn nhớ những năm tháng làm việc cùng Đại tướng, mỗi lần nhận điện từ chiến trường miền Nam, ông lại đạp xe sang nhà Đại tướng để báo cáo và xin chỉ thị vì cơ quan ngay trước cửa nhà Đại tướng.

“Đại tướng làm việc rất thận trọng, từ lời nói đến công văn. Ông cũng rất tôn trọng ý kiến của mọi người. Ông xứng đáng là người chỉ huy lỗi lạc”, ông Hào nói thêm.

Đối với một người từng làm việc mấy chục năm trời cùng Đại tướng, phải vĩnh biệt Đại tướng hôm nay, cảm xúc là vô kể.

 
Những bức ảnh ông Ngô Đức Thiểu chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cầm trên tay những bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Ngô Đức Thiểu, nay đã bước sang tuổi 80, xúc động kể về 14 lần vinh dự được gặp, chụp ảnh cùng Đại tướng.

Ông Thiểu bày tỏ. “Đại tướng lúc nào cũng đề cao vai trò của quân nhân, lúc nào cũng khiêm nhường, là đức tính tôi cảm nhận được sau 14 lần gặp gỡ ấy”.


Nhiều người không kìm được nước mắt sau khi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng 12.10 tại Hội trường Thống nhất


Những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên trong thời bình được phụ huynh dẫn đến viếng Đại tướng để bày tỏ lòng biết ơn

 

Trí nhớ có thể lẫn nhưng không quên Tướng Giáp

Đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hội trường Thống nhất, có một người ngồi trên chiếc xe lăn, tiến vào hội trường, thắp nhang cho Đại tướng.

Ông là cựu tình báo Nguyễn Long, nay đã hơn 80 tuổi. Không thể trò chuyện vì tuổi cao, sức yếu, nhưng trước di ảnh Đại tướng, ông đưa tay chào vĩnh biệt mà nước mắt tuôn rơi.

Cũng như ông Nguyễn Long, dù đã hơn 90 tuổi, ông Nguyễn Đức Hà, cũng là một nhà tình báo ngày trước, nằng nặc đòi con cái dẫn vào TP.HCM để được viếng Đại tướng.

Ở tận Phan Thiết, con cái ông Hà đã phải bắt xe đò từ 2 giờ sáng để kịp đưa ông có mặt tại hội trường sáng 12.10.

 
Ông Nguyễn Đức Hà ghi từng chữ một bày tỏ lòng mến thương với Đại tướng trên sổ tang

Không trò chuyện được với những xung quanh vì tuổi cao, nhưng ông Hà vẫn yêu cầu con cho viết vài dòng trên sổ tang bày tỏ tấm lòng mình với Đại tướng.

Dù đôi mắt đã mờ, ông Hà vẫn viết lên những dòng chữ "Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dành cả đời vì độc lập, thống nhất của Việt Nam".

 Hoàng Quyên - Tấn Cư - Phúc Duy

>> Lặn lội từ xa về viếng Đại tướng
>> Nhiều đoàn ngoại giao nước ngoài đến lễ viếng Đại tướng
>> Hình ảnh lễ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia
>> Mở cửa cho người dân vào viếng Đại tướng sớm hơn kế hoạch
>> Người dân khắp nơi thành kính viếng Đại tướng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.