Nghiêng mình trước anh linh Đại tướng

12/10/2013 03:00 GMT+7

Biểu tượng của một xã hội không giai cấp và gạt bỏ những mưu cầu cá nhân là những di sản và di nguyện giá trị muôn đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nghiêng mình trước anh linh Đại tướng

Nhà văn - nhà nghiên cứu người Mỹ Lady Borton (thứ hai từ trái sang) cùng một số cựu chiến binh Mỹ và các sử gia quốc tế cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2006 -  Ảnh: nhân vật cung cấp

Năm 1993, khi vừa sang sinh sống và làm việc tại Việt Nam chưa đầy 1 tháng, nhà báo tự do Ấn Độ Hari Chathrattil đã có cơ hội gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại một buổi lễ mừng công. Ông Chathrattil nói cảm giác sốc là điều đương nhiên khi được bắt tay với vị tướng huyền thoại, nhưng điều in đậm vào đầu nhà báo này cho đến mãi sau này chính là sự gần gũi và thoải mái của 2 người phụ nữ trẻ tháp tùng Đại tướng vào hội trường và giới thiệu với ông.

Ông Chathrattil nói: “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh 2 người phụ nữ VN chuyện trò với Đại tướng, dắt ông vào hội trường và hồ hởi giới thiệu tôi với ông bằng một niềm vui như trẻ thơ. Chính từ cuộc gặp mặt tình cờ đó đã in đậm một dấu ấn trong lòng tôi về một xã hội VN không giai cấp, bình đẳng và biết trân trọng giá trị lao động. Niềm tin vào một xã hội bình đẳng càng được củng cố ở những năm về sau tôi sống ở VN. Vào những năm 1990, tùy viên quân sự ở Đại sứ quán Ấn Độ kể với tôi ông này thật sự kinh ngạc khi có một lần đi công tác với các sĩ quan quân đội VN, họ luôn ăn cùng bàn, cùng uống một bình trà với tài xế. Lúc đó, tôi nhận ra xã hội VN như một giấc mơ có thật về sự bình đẳng mà Đại tướng Giáp là biểu tượng cao quý nhất. Đối với tôi, sự ra đi của ông cũng giống như mất đi một biểu tượng cao quý về nền móng cho một xã hội bình đẳng mà xã hội VN đã dày công xây dựng từ các cuộc đấu tranh giành độc lập”.

Rất nhiều ngôn từ, đánh giá, phân tích từ công luận quốc tế lẫn trong nước về những chiến công hiển hách, tài thao lược kiệt xuất cũng như tầm vóc vĩ đại của Đại tướng đã tràn ngập các phương tiện truyền thông trong suốt một tuần qua. Thế nhưng, khi trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia, nhà báo quốc tế luôn dành rất nhiều sự trân trọng và ngưỡng vọng đối với niềm tôn kính của nhân dân dành cho vị đại tướng huyền thoại và theo họ, đây chính là một trong những di sản thiêng liêng nhất sẽ mãi còn giá trị cho nhiều thế hệ về sau.

“Nhắc đến ông, ai cũng đồng lòng”

 Theo các chuyên gia, nhà báo quốc tế, hầu như không có một ranh giới hay khoảng cách nào giữa Đại tướng với các chiến sĩ, người dân và quảng đại quần chúng. Đối với GS Ben Kerkvliet, Đại học Quốc gia Úc, hình ảnh đầu tiên nhắc nhớ trong đầu ông khi đón nhận tin Đại tướng qua đời là cuộc trò chuyện với những người dân làng ở Vĩnh Phúc trong thập niên 1990, tại một quán trà ven đường. GS Kerkvliet nói: “Tôi bắt chuyện với người dân và trong câu chuyện của mình, chúng tôi nói về các vị lãnh đạo VN và đương nhiên là không thể thiếu Đại tướng. Có những người từ đầu câu chuyện chẳng nói câu nào nhưng khi nhắc đến ông là hồ hởi, say mê và đầy thành kính. Người dân có thể bất đồng quan điểm vì những chuyện khác nhưng khi nhắc đến ông, ai cũng đồng lòng lạ kỳ. Cũng như những ngày này, dân tộc VN đang đồng lòng tiếc thương cho một tượng đài, và trong đó có cả tôi”.

Nhà văn - nhà nghiên cứu người Mỹ Lady Borton, nhà văn Mỹ duy nhất có mặt ở cả hai miền Nam - Bắc thời chiến tranh và đã dịch cuốn Hồi ức Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh, nói với Thanh Niên: “Theo tôi biết thì trên thế giới không có nước nào ngoài VN mà người dân gọi Chủ tịch của mình là Bác, còn các cựu chiến binh gọi vị Tổng tư lệnh là Anh Cả. Khó mà hình dung một anh lính lê dương Pháp hay một binh sĩ Mỹ gọi tướng  Navarre hay tướng Westmoreland là “anh” như thế”.

Di nguyện trường tồn

GS Kerkvliet cũng nhắc lại những lần Đại tướng lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề hệ trọng của đất nước trong những năm gần đây. “Đại tướng luôn trăn trở trước những quyết sách ảnh hưởng đến vận mệnh của một dân tộc mà ông đã phụng sự trong suốt cuộc đời mình. Lòng ông không thể yên nếu đất nước ông, dân tộc ông chọn một con đường đi lên không phù hợp hay thậm chí là nguy hiểm”, GS Kerkvliet nói.

Theo các chuyên gia, di sản của tướng Giáp sẽ mãi trường tồn và không bị hoài phí nếu như những di nguyện của ông luôn được mỗi thế hệ sau trân quý và thực hiện nó bằng tất cả sự thành kính cả dân tộc đang dành cho ông trong những ngày này. Nhà báo Chathrattil nói: “Nền tảng về một xã hội bình quyền luôn là di sản quý giá nhất tướng Giáp để lại. Những xói mòn về đạo đức xã hội, tham nhũng tràn lan sẽ còn hoành hành nếu như nền tảng bình quyền đó không được gìn giữ, nếu như cả xã hội không cùng phát triển và nhắm đến một mục tiêu chung. Với tất cả lòng thành kính, tôi cầu nguyện cho tướng Giáp được yên nghỉ khi biết rằng những di nguyện của ông sẽ mãi được các thế hệ sau tiếp tục thực hiện”. (Còn tiếp)

An Điền

>> Đúc trống đồng, kiếm đồng dâng lên anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tầm nhìn hướng biển của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Cả nước để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Gắn băng tang lên Quốc kỳ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Quân dân miền Nam tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.