|
Phát biểu của ông Belso Gonzalez, Giám đốc Cơ quan Hàng không và Đại dương Quốc gia Panama, có vẻ trái ngược với lời giải thích về lô hàng trên của nhà chức trách Cuba.
Chiếc tàu Chong Chon Gang bị chặn bắt vào ngày 15.7 tại kênh đào Panama với 25 container thiết bị quân sự của Cuba được tìm thấy bên dưới 10.000 tấn đường. Các thiết bị này không được liệt kê trong bản khai báo của tàu. Thuyền trưởng và 35 thành viên thủy thủ đoàn của tàu vẫn còn đang bị tạm giữ ở Panama.
Sau vụ bắt giữ tàu, Cuba cho biết lô hàng bao gồm những “vũ khí phòng thủ quá đát” bao gồm 2 chiến đấu cơ MiG-20 và 15 động cơ, 9 tên lửa bị tháo rời và 2 hệ thống phòng không được chuyển sang Triều Tiên “để được sửa chữa và sẽ trả lại”.
Nhưng ông Gonzalez ngày 11.10 cho biết các chiến đấu cơ “vẫn trong tình trạng hoạt động và các động cơ vẫn trong trạng thái tốt”.
Ông cho biết các chiến đấu cơ nói trên tiêu biểu cho những thập niên 1960 và 1970, và các hệ thống dẫn đường của chúng đã cũ so với những chiến đấu cơ được chế tạo gần đây, nhưng chúng “vẫn là chiến đấu cơ”.
Một quan chức Panama giấu tên cho biết các máy bay vẫn còn nhiên liệu bên trong, cho thấy chúng đã được sử dụng gần đây. Vì vậy, theo ông này, việc nói rằng chúng đã quá 'đát' là “không chính xác”.
Giới chức Panama nói rằng lô hàng vũ khí là một phần thỏa thuận giữa Cuba và Triều Tiên, và rằng Havana sẽ nhận được 200 triệu USD cho lô hàng này.
Giới chức Cuba và Triều Tiên chưa bình luận gì về thông tin này.
Một phái đoàn chuyên gia Liên Hiệp Quốc giám sát việc thực thi những biện pháp trừng phạt Triều Tiên đã thăm Panama và giữa tháng 8 để điều tra lô vũ khí bị bắt giữ. Báo cáo của họ hiện chưa được công bố.
Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc quy định các nước thành viên ngăn chặn việc cung cấp trực hoặc gián tiếp, bán hoặc chuyển giao các loại vũ khí và vật liệu cho Triều Tiên, và những linh kiện rời liên quan, trừ vũ khí cỡ nhỏ và hạng nhẹ.
Trùng Quang
Bình luận (0)