Trải nghiệm để yêu cuộc sống

14/10/2013 03:05 GMT+7

Nhiều thanh niên, học sinh chưa ngoan được trải nghiệm qua các công việc như: buôn bán, làm việc ở công trình xây dựng, bốc vác hàng hóa ở chợ đầu mối... để hiểu cuộc sống và thấm thía được giá trị của đồng tiền làm ra.

Nhiều thanh niên, học sinh chưa ngoan được trải nghiệm qua các công việc như: buôn bán, làm việc ở công trình xây dựng, bốc vác hàng hóa ở chợ đầu mối... để hiểu cuộc sống và thấm thía được giá trị của đồng tiền làm ra. 

 Trải nghiệm để yêu cuộc sống
Trải nghiệm làm bánh bao - Ảnh: Lê Thanh

Đó là Hành trình trải nghiệm giá trị cuộc sống, do Quận đoàn và Hội LHTN Q.8, TP.HCM tổ chức thí điểm từ tháng 4.2013 đến nay đã làm thay đổi nhận thức của hàng trăm thanh niên, học sinh chưa ngoan. 

Hiểu được sự hy sinh của cha mẹ

Theo đó, mỗi chuyên đề, ban tổ chức chọn 20 bạn trẻ hóa thân thành những công nhân làm việc trực tiếp. Sau mỗi buổi làm việc, tất cả bạn trẻ được trả lương như những công nhân bình thường.

21 giờ một ngày cuối tuần, chợ Phạm Thế Hiển (Q.8) chất đầy những đống rác lớn đã bốc mùi hôi. Trong bộ đồng phục và các trang thiết bị bảo hộ, 20 cô cậu học trò ban đầu còn e ngại, nhưng sau khi được một công nhân vệ sinh hướng dẫn, đã bắt tay vào thu dọn rác thải, mặc cho mùi hôi thối xông lên. Người dùng cào, người dùng xẻng, thoăn thoắt moi, xúc từng bịch rác bỏ vào xe đẩy. Sau gần hai giờ làm việc, những con đường trong chợ đã sạch sẽ, cả nhóm tập trung đưa xe rác về khu tập kết. Buổi vào vai công nhân vệ sinh khiến ai cũng mệt nhoài, mặt mày lấm lem, áo ướt đẫm mồ hôi. Nghề quét rác quá cực là cảm nhận chung của hầu hết thành viên tham gia buổi trải nghiệm.

Khi cầm trên tay 100.000 đồng tiền công của buổi làm việc, nhiều bạn mới thật sự thấm thía giá trị của sức lao động. Minh Hào chia sẻ: “Trước giờ mình không biết mẹ đã kiếm tiền về lo cho gia đình cực khổ đến vậy, bây giờ mình đã hiểu mẹ hy sinh cho gia đình quá nhiều. Mình sẽ dùng số tiền này để mời mẹ ăn tô hủ tíu”. Hào nghỉ học từ năm lớp 10. “Lúc nghỉ học cứ tưởng sẽ được tự do theo bạn bè đi chơi, nên nhất quyết không quay lại trường dù mẹ mình năn nỉ rất nhiều. Nhưng giờ ra đời mới biết không có nghề nghiệp, muốn xin việc rất khó, đồng tiền thì kiếm không dễ. Vì vậy, mình sẽ đi học lại, nếu vẫn không theo kịp chương trình thì sẽ đi học nghề để sau này đỡ đần cho mẹ”, Hào cho biết.

 

Chương trình giúp các bạn trẻ biết yêu lao động, trân trọng hơn giá trị lao động của từng ngành nghề trong đời sống xã hội. Qua đó bạn trẻ biết đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, góp phần hoàn thiện nhân cách

Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Quận đoàn 8, TP.HCM

Còn với Q. thì từ 9 năm nay, sau ngày cha mất, rồi mẹ bỏ nhà đi, bốn anh em Q. ở với bà nội. Hằng ngày, đi học về đã có nội phục vụ sẵn, nên dù đã 16 tuổi nhưng Q. chẳng phải làm gì. "Kiếm được đồng tiền chân chính không hề dễ dàng. Tối nay không ở nhà nhưng mình biết nội vất vả hằng đêm để có tiền nuôi mấy anh em", Q. xúc động khi cầm 100.000 đồng thù lao ngày công làm việc đầu tiên của mình trong đời.

Biết quý đồng tiền làm ra

Tại một công trình xây dựng, Nguyễn Văn Thành, học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự, trong vai công nhân phụ hồ. Thành tâm tình: “Sau một ngày làm việc, do mình chưa làm bao giờ nên cảm thấy mệt mỏi, nặng nhọc, nguy hiểm và càng thấy thương ba mình nhiều hơn vì ba cũng làm nghề này. Tuy nhiên, mình thấy công việc này cũng thú vị vì nó góp phần xây dựng cho xã hội những công trình khang trang, hiện đại. Mình tự hào vì đã có một ngày lao động thật ý nghĩa và biết tôn trọng đồng tiền của ba mẹ làm ra. Qua hành trình này, mình đã rút ra kinh nghiệm cho bản thân là cuộc sống vốn dĩ phải có những giọt mồ hôi, va chạm với cuộc sống thì chúng ta mới lớn khôn và có cái nhìn chín chắn hơn”.

Trải nghiệm với công việc làm bánh bao tại một cơ sở sản xuất, Nguyễn Thị Hồng Vân hồ hởi: “Được tham gia vào các công đoạn làm ra những chiếc bánh mới thấu hiểu hết công sức, tình cảm và giá trị lao động mà người thợ bỏ ra không hề đơn giản chút nào”.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Quận đoàn 8, cho biết: “Thành công lớn nhất của chương trình này là giúp các bạn trẻ biết yêu lao động, trân trọng hơn giá trị lao động của từng ngành nghề trong đời sống xã hội. Qua đó bạn trẻ biết đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, góp phần hoàn thiện nhân cách, định hướng lối sống đẹp, khơi dậy khát vọng và phát huy tính năng động, sáng tạo trong thanh niên”.

Cũng theo anh Nghĩa, mô hình không dừng lại ở Q.8 mà sẽ kết nối với nhiều quận, huyện khác trong thành phố, thậm chí ở các tỉnh thành lân cận để đưa những thanh niên, học sinh chưa ngoan trải nghiệm, tiếp cận nhiều công việc, ngành nghề khác nhau; giúp bạn trẻ nâng cao vốn sống của mình.

Lê Thanh

>> Trải nghiệm để dạy tốt hơn
>> Cuộc đua kỳ thú 2013: Trải nghiệm cuộc sống của người Dao Đỏ
>> Apple sẽ cho người dùng trải nghiệm Touch ID
>> Trải nghiệm tại nhà máy
>> Lữ khách và trải nghiệm đích thực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.