Cà Mau: Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khá lên

12/10/2013 12:05 GMT+7

Thời gian qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Cà Mau đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai hiệu quả.

Thời gian qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Cà Mau đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai hiệu quả.

Cà Mau: Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khá lên
Vùng nông thôn có đông đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc - Ảnh: Chí Tín

Hàng loạt công trình ra đời

Từ năm 2006 - 2010, Cà Mau đã đầu tư trên 200 tỉ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống như: tráng nhựa 178 km đường giao thông; bắc 59 cây cầu; nạo vét 77 km kênh thủy lợi; xây mới, sửa chữa 4 chợ, 5 trạm y tế; kéo 15 km đường điện, xây dựng 406 phòng học... Các năm 2011 - 2012, tỉnh tiếp tục đầu tư hơn 14 tỉ đồng xây dựng các công trình giao thông bức xúc ở 12 xã thuộc Chương trình 135. Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch mua đất tập trung và đã giải ngân được hơn 22 tỉ đồng.

Thực hiện Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau đã tổ chức định canh, định cư cho 579 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (tổng cộng 2.895 khẩu) trong đó định canh, định cư tập trung 252 hộ; định canh, định cư xen ghép 327 hộ. Năm 2013 này, tỉnh sử dụng nguồn vốn 4 tỉ đồng từ T.Ư để thực hiện dự án định canh, định cư tập trung tại vàm kênh Lung Ranh (xã Khánh Tiến, H.U Minh) để bà con dân tộc Khmer có nơi ăn, chốn ở ổn định lâu dài.

Không chỉ chăm lo về vật chất, Cà Mau còn coi trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2 salaten (nhà hội tụ của sư sãi, tín đồ Phật giáo) và đang dự định xây thêm 7 salaten để bà con có nơi sinh hoạt văn hóa. Bên cạnh đó, 4 lò hỏa táng cũng được đưa vào sử dụng. Tỉnh đang đầu tư hơn 10 tỉ đồng để xây dựng thêm 4 lò khác. Ngoài ra, các ban, ngành của tỉnh Cà Mau còn tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer xây dựng, sửa chữa chùa, nơi thờ tự và tổ chức các lễ hội truyền thống. Việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc cũng được tỉnh chú trọng, nhằm giúp thế hệ trẻ biết giữ gìn, phát huy ngôn ngữ dân tộc.

Cuộc sống ngày một khá hơn

Ông Danh Út (ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, H.Thới Bình) phấn khởi nói:  “Nhờ Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi có điều kiện chuộc lại đất để trồng lúa, chăn nuôi, cuộc sống đã khấm khá hơn so với trước”. Lễ Sen Dolta năm nay, đồng bào Khmer ở ấp Đường Đào càng vui hơn khi có ngôi chùa mới khang trang, ai cũng làm mâm cơm tươm tất đem lên chùa cúng ông bà tổ tiên và dâng cơm đến chư tăng cầu mong phước lành. Đại đức Thạch Minh Thắng, Tăng trưởng chùa Tam Hiệp (H.Trần Văn Thời), cho biết: “Những năm qua, Nhà nước và các cấp chính quyền luôn tôn trọng sự phát triển tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương. Hằng năm, vào dịp lễ hội cổ truyền của đồng bào Khmer đều có lãnh đạo đến thăm hỏi, chúc mừng. Các cơ sở thờ tự được mở rộng, đời sống các phật tử cũng ngày càng nâng cao.”

Ông Trần Chánh Quang, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Cà Mau, cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát kết quả đề án Tổ chức lại sản xuất và bố trí lại dân cư khu vực rừng tràm. Bên cạnh chủ trương sử dụng vốn để mua đất tập trung, tỉnh sẽ xem xét lại quỹ đất đã cấp cho các tổ chức, cá nhân, nhưng không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để thu hồi, giao lại cho địa phương; từ đó địa phương sẽ phân bổ lại cho các hộ nông dân, nhất là những hộ thuộc diện chính sách, hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã phân bổ 10 tỉ đồng cho 10 xã thuộc Chương trình 135 (giai đoạn 2) xây dựng các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngoài ra, tỉnh còn xây trên 7.000 căn nhà và hơn 300 giếng nước sinh hoạt; hỗ trợ trên 4 tỉ đồng cho các hộ đồng bào Khmer nghèo mua cây, con giống và các vật dụng khác để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.