>> Bão số 11: Quảng Trị chuyển từ chống bão sang phòng lũ
>> Sau Xangsane, Đà Nẵng lại tan hoang, xác xơ với bão số 11
>> Bão số 11 càn quét miền Trung: 2 người mất tích, 11 người bị thương
>> Đà Nẵng tan hoang sau khi bão số 11 quét qua
>> Tâm bão số 11 nằm trọn trong tỉnh Quảng Nam
Video: Đà Nẵng hoang tàn sau bão Nari |
|
Nhà sập khi bão vừa nổi lên
Dọc tuyến đường biển Hoàng Sa (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), những căn nhà sau trận bão kinh hoàng đã không còn hình hài nguyên vẹn. Tất cả đều bị hư hại. Nhà thì sập bờ tường, nhà thì bay mái tôn, nhà thì đổ sụp hoàn toàn trước sự hoang mang của người dân.
Đi sâu vào trong các xóm nhà ven biển, bắt gặp cảnh hai vợ chồng ông Phạm Đình Chiến và bà Nguyễn Thị Nga (trú tổ 12A, khối Tân An, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) đang ngồi nhặt nhạnh những gì còn sót lại từ đống đổ nát.
Ông Chiến tuy cố tỏ ra cứng cỏi, nhưng giọng nói không giấu được sự lo sợ tột cùng: “Lúc nớ khoảng 12 giờ đêm, khi nghe gió quần bên ngoài, tôi không khỏi lo lắng bởi cứ nghe lớp tôn trên đầu nhảy múa ràn rạt theo hướng gió. Rồi chỉ được thêm một lúc thì bờ tường phía trước đổ sập. Gió thốc hết tôn lên. Cả nhà 4 người tôi hoảng sợ, nấp xuống dưới bàn thờ để trú ẩn suốt đêm. Đến khi gió lặng một chút vào sáng sớm thì cả nhà chạy qua nhà hàng xóm để trú ẩn”.
Bà Nga thì rưng rưng: “Rứa là mất hết cả rồi, còn gì đâu nữa. Cái nhà sụp rồi, cái quán ngoài kia (nằm ven biển, đối diện nhà vợ chồng bà - PV) cũng đổ sụp theo luôn. Giờ nhà không có ở, kế sinh nhai cũng không còn. Giờ phải làm sao, tui thiệt là bối rối”.
Theo những người hàng xóm thì bà Nga còn bị mắc căn bệnh ung thư. Cú tàn phá của cơn bão số 11 càng xoáy vào nỗi đau của vợ chồng ông bà. Có lẽ vì vậy mà lúc chia tay chúng tôi ông Chiến cứ thẫn thờ, thở dài nói: “Làm sao đây. Giờ phải làm sao đây”.
|
Cách đó không xa là hoàn cảnh của chị Trần Thị Xuân (trú tổ 15 P.Mân Thái, Q.Sơn Trà). Chị và hai con nhỏ sống nương tựa vào nhau trong một cái quán được dựng lên ven biển.
Khuya 14.10, bão số 11 đã cuốn bay sạch cả quán của chị Xuân. Cũng may là cả ba mẹ con đi sơ tán tránh bão nên không bị ảnh hưởng về người. Nhưng giờ ba mẹ con đã hoàn toàn trắng tay.
“Tui lo cho hai đứa nhỏ đang còn đi học. Giờ có sửa lại quán cũng không dễ, vì đâu dễ mượn tiền trong khi bà con xung quanh ai cũng gặp thiệt trong bão”, chị Xuân buồn rầu.
Thuyền nát, thúng tan tành
Dọc tuyến đường biển ra bán đảo Sơn Trà, dù trước bão Nari, người dân đã dùng mọi phương tiện để kéo thuyền, thúng lên bờ, neo đậu chắc chắn. Nhưng trước sức gió quá mạnh, tất cả thuyền lớn, nhỏ, thúng chai đều bị sóng biển kèm gió lớn hất tung lên bờ. Hầu hết đều bị hư hại từ nhẹ đến nặng.
Ngồi thẫn thờ bên chiếc thúng, tài sản duy nhất của gia đình đã bị hư hỏng nặng, bà Phùng Thị Bốn nghẹn ngào: “Cả nhà tui trông cậy vô nó. Cứ gió yên thì ra đánh bắt kiếm bữa cơm. Giờ thì tan nát hết rồi”.
Cũng như bà Bốn, vợ chồng chị Phan Thị Hai và anh Huỳnh Văn Tuấn, những ngư dân ở khu vực Mân Thái cũng thảng thốt khi thấy chiếc thúng chai mình đã chèn kỹ lưỡng bị sóng biển phá nát.
“Muốn kiếm mua một chiếc thúng giờ phải đặt họ cả tháng. Mà chưa chắc có nếu trời không chịu nắng. Suốt tháng tới không biết phải làm răng”, chị Hai buồn bã.
Rất nhiều thuyền lớn, nhỏ cũng bị hư hỏng do gió rất lớn, đánh bạt thuyền từ chỗ neo đậu văng lên bờ. Bà Nguyễn Thị Hoa, vợ một chủ thuyền rấm rức: “Bão lớn ri, ở nhà không bị răng nghĩ là may rồi, ai ngờ ra thấy thuyền tan hoang, thiệt không biết tính sao cho những bữa cơm sắp tới. Rồi lấy tiền đâu mà sửa thuyền, trong khi nợ nần vẫn chưa thanh toán hết”…
Khắp nơi, đâu đâu cũng đầy những dấu vết tàn phá của bão Nari.
Sau bão, như lẽ thường bao năm, bao đời ở miền Trung, người dân Đà Nẵng sẽ mất khá nhiều thời gian, để có thể vực dậy và ổn định cuộc sống.
|
Diệu Hiền
>> Bão số 11 đang tàn phá miền Trung
>> Lý Sơn tan hoang, xơ xác sau bão số 11
>> Bão số 11 gây sạt lở khủng khiếp tại Hội An
Bình luận (0)