'Điểm hài lòng' của Tổng thống Philippines giảm sút

15/10/2013 17:00 GMT+7

(TNO) Phủ Tổng thống Philippines hôm 14.10 thừa nhận vụ tham nhũng công quỹ trong các dự án địa phương đã khiến lòng tin của công chúng giảm sút mạnh trong tháng 9 vừa qua.


Tham nhũng công quỹ đang khiến Tổng thống Philippines Benigno Aquino III phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng gia tăng trong công chúng - Ảnh: PhilNews.PH

Khảo sát mới nhất của Trạm quan trắc Thời tiết Xã hội (SWS) - tổ chức chuyên đánh giá thái độ của người dân đối với các cơ quan công quyền ở Philippines - cho hay mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III giảm sút mạnh trong tháng 9, từ mức “rất tốt” xuống “tốt”, theo Philippine Daily Inquirer.

Sự giảm sút được ghi nhận ở tất cả các địa phương, trong mọi thành phần kinh tế xã hội và giới tính, SWS cho biết.

Theo tổ chức này, 1.200 người trên toàn quốc đã tham gia một cuộc khảo sát trực tiếp trong các ngày từ 20 đến 23.9.

Trong số đó, 68% trả lời họ hài lòng, 19% không hài lòng.

Như vậy, trong đợt khảo sát mới nhất, Tổng thống Aquino được +49 điểm, xếp loại “tốt”, giảm 15 điểm so với kết quả khảo sát hồi tháng 6. Khi đó, ông Aqunio được 76% “hài lòng” và 12% “không hài lòng”, xếp loại “rất tốt”.

SWS cho biết kết quả khảo sát của họ có sai số trong khoảng cộng trừ 3%.

“Trong khi phần lớn người dân Philippines tiếp tục ủng hộ Tổng thống và nghị trình của ông ấy, chúng tôi thừa nhận sự gia tăng số người bất mãn phản ánh chiều sâu của sự tức giận và thất vọng của người dân trước việc công quỹ bị ăn chặn”, trợ lý phát ngôn viên Phủ Malacanang Abigail Valte phát biểu tại cuộc họp báo hôm 14.10.

Bà Valte giải thích, mặc dù Tổng thống Aquino không dính dáng gì đến vụ tham nhũng hàng trăm triệu USD công quỹ bị phanh phui bởi báo Philippine Daily Inquirer hồi tháng 7, “nhưng chúng tôi nhìn nhận một phần của sự bê bối nói chung đó có thể liên quan đến chính quyền hiện tại”.

Biển thủ công quỹ

Năm 1990, chính phủ Philippines lập ra Quỹ hỗ trợ ưu tiên phát triển (PDAF) chiếm 1,5% ngân sách, để cung cấp tài chính cho các nghị sĩ thực hiện những dự án phát triển quy mô nhỏ ở địa phương mình.

Mỗi năm, một thượng nghị sĩ được cấp 200 triệu peso (gần 5 triệu USD), mỗi dân biểu hạ viện được 70 triệu peso và họ có toàn quyền chi tiêu số tiền này cho mục đích nói trên.

Tuy nhiên, do nhiều nghị sĩ không có các mối “quan hệ” để có thể giải ngân nguồn quỹ này, nữ doanh nhân Janet Lim-Napoles, vợ một cựu sĩ quan quân đội có nhiều mối quan hệ trong giới chóp bu, đã chớp lấy cơ hội.

Bà Napoles câu kết với các nghị sĩ và quan chức, lập ra nhiều tổ chức phi chính phủ ngụy tạo, giả mạo giấy tờ, để giải ngân công quỹ thông qua các tổ chức này, rồi chia nhau mà không thực hiện một dự án nào.

Theo Cục Điều tra quốc gia Philippines, trong vòng 10 năm, đường dây của bà Napoles, 49 tuổi, đã ăn chặn tổng cộng 228 triệu USD từ quỹ PDAF.

Bất mãn

Sau khi đường dây của bà Napoles bị đưa ra ánh sáng, công chúng Philippines nổi giận và hàng trăm ngàn người đã biểu tình trên toàn quốc trong ngày 26.8.

Đây là cuộc biểu tình đầu tiên mà Tổng thống Aquino - người vốn được công chúng tin yêu vì lý tưởng chống tham nhũng - phải đối mặt kể từ khi ông ông nhậm chức hồi năm 2010.

Một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra hôm 4.10 tại quận Makati đông đúc của thủ đô Manila.

Tổng thống Aquino hồi tháng 8 đã tuyên bố “sẽ thay thế PDAF” bằng những chương trình khác, nhưng vẫn sẽ tiếp tục triển khai PDAF trong năm 2014, khiến công chúng thêm bất bình.

“Tổng thống Aquino có thể "kỳ vọng" ngày càng ít người hài lòng với công việc của ông ấy nếu ông ta cứ tiếp bỏ qua ý nguyện của nhân dân là đòi hỏi ông phải tiệt trừ tận gốc những loại công quỹ dễ trở thành mồi ngon cho các quan chức tham nhũng, hay có ý che chắn cho những đồng sự dính líu trong vụ này”, nghị sĩ  Antonio Tinio cảnh báo tại một cuộc họp báo hôm 14.10.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

 

>> Ăn chặn công quỹ đe dọa chính quyền Philippines
>> Động đất 7,1 độ Richter ở Philippines, 4 người chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.