Vấn nạn lấn chiếm đất rừng

15/10/2013 10:12 GMT+7

Chống lâm tặc khai thác gỗ trái phép đã “bở hơi tai”, các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk còn vất vả đối phó tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất rừng.

Chống lâm tặc khai thác gỗ trái phép đã “bở hơi tai”, các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk còn vất vả đối phó tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất rừng.

Lao đao với nạn lấn chiếm

Một ngày đầu tháng 8 vừa qua, hàng chục người dân ở thôn 2, xã Ea Kiết, H.Cư Mgar (Đắk Lắk) xông vào trụ sở Lâm trường (LT) Buôn Ja Wầm thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đập phá đồ đạc, hành hung các cán bộ LT, khiến 4 người bị thương, trong đó 2 người phải điều trị cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Trước đó, LT Buôn Ja Wầm tổ chức lực lượng nhổ bỏ khoảng 200 cây tiêu, 50 cây cao su và một số hoa màu của các hộ dân vừa trồng trái phép trên đất rừng của LT. Ông Dương Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Buôn Ja Wầm, cho rằng tình trạng đất rừng bị người dân lấn chiếm căng thẳng nhiều năm nay. Vận động, thuyết phục người dân rời khỏi địa bàn không được, DN buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế, hủy bỏ cây trồng trái phép nhưng lại gặp phản ứng tiêu cực, gây khó khăn. Ông Sơn cho biết những năm trước, công ty đã chuyển gần 3.000 ha đất rừng bị lấn chiếm cho địa phương quản lý, nhưng hiện vẫn còn hơn 350 ha khác đang bị xâm canh, không thể xử lý được.

Lấn chiếm đất rừng cũng xảy ra ở Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông. Đầu mùa mưa năm nay, ngay trên đất được phát dọn, chuẩn bị trồng rừng của DN, một số hộ di cư tự do vào xâm lấn, canh tác gần 10 ha. Công ty đã đề nghị chính quyền xã Cư Đrăm hỗ trợ giải quyết nhưng việc triệu tập họp người dân để vận động trả lại đất rừng bất thành.

Tương tự, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh quản lý hơn 14.700 ha rừng và đất rừng trên địa bàn H.Ea Súp nhưng đến nay có khoảng 6.000 ha đã bị lấn chiếm. Việc tranh chấp đất đã khiến công ty không thể thực hiện các dự án liên doanh liên kết với đơn vị khác trên đất rừng được giao. Mới đây, Công ty CP Vinamit đã phải trả lại dự án liên kết trồng cây công nghiệp trên 900 ha với Công ty Chư Ma Lanh do phần lớn đất đã bị xâm canh. Thậm chí, khi DN lâm nghiệp này trồng lại 80 ha rừng trên đất thu hồi cũng bị phá hoại hơn 50% diện tích...

Doanh nghiệp bó tay

Ngày 16.3.2012, UBND tỉnh Đắk Lắk ra chỉ thị số 03/CT-UBND, trong đó yêu cầu “các công ty TNHH MTV lâm nghiệp kiểm tra, rà soát, lập biên bản thống kê diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép từ năm 2008 đến nay, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng phá bỏ các loại cây trồng, lều lán trại xây dựng trái phép để trồng lại rừng”. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Sơn, chính quyền địa phương vẫn thiếu kiên quyết trong việc phối hợp với DN trong hoạt động này. Ông Sơn băn khoăn: “Hơn nữa, việc hướng dẫn thực hiện chỉ thị trên chưa cụ thể. Chính quyền địa phương là UBND cấp xã hay UBND cấp huyện, ai là người chủ trì tổ chức lực lượng phá bỏ cây trồng, lều lán trại trái phép trên đất rừng… vẫn chưa được quy định rõ nên khó triển khai”.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 14.160 ha rừng, đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, cho rằng đất rừng bị mất do lấn chiếm là vấn nạn nan giải với hầu hết các công ty lâm nghiệp; nhiều đơn vị không đủ lực lượng canh giữ rừng ngày đêm, trong khi việc xâm lấn diễn ra vừa lén lút, vừa công khai, người lấn đất có lúc manh động; việc thu hồi đất rừng cũng hết sức phức tạp, khó khăn. Theo ông Hưng, đã có nhiều kiến nghị đối với cấp thẩm quyền để chỉ đạo chính quyền các cấp cùng vào cuộc, nhưng hầu như các công ty lâm nghiệp đều phải đơn độc giữ rừng.

“Ở nhiều địa bàn không chỉ có nông dân xâm canh trên đất rừng mà còn có bàn tay đầu nậu đứng đằng sau thuê người phá rừng lấy đất để sang nhượng trái phép. Tuy nhiên, lâu nay chưa có vụ phá rừng chiếm đất nào bị khởi tố, điều tra để xử lý trước pháp luật. Thiếu sự tiếp sức của các cơ quan chức năng, hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp gặp nhiều cam go”, ông Hưng bức xúc nói.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.