Ths-BS Nguyễn Văn Thống, Chuyên khoa Nội tâm thần kinh - Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Phòng khám Tâm thần kinh - Y Nha khoa Vạn Phước.
Đau đầu được phân thành hai nhóm lớn là đau đầu nguyên phát (không liên quan thay đổi cấu trúc) và đau đầu thứ phát (có liên quan đến viêm nhiễm, chấn thương, xuất huyết dưới nhện…). Đau đầu nguyên phát chiếm hơn 90% các loại đau đầu, trong đó đau đầu dạng căng thẳng từng cơn là thể thường gặp nhất. Các loại đau đầu nguyên phát có xu hướng tái diễn hoặc kéo dài đưa đến mạn tính làm cản trở nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.
Đau đầu Migraine (hay đau đầu vận mạch) thuộc nhóm đau đầu nguyên phát, tỷ lệ lưu hành thay đổi từ 12% đến 18% dân số, nữ cao gấp 3 lần nam. Triệu chứng điển hình là đau đầu từng cơn, mỗi cơn kéo dài từ 4 đến 72 giờ, đau một bên đầu (có lúc đổi bên, đôi khi đau cả đầu), đau kiểu mạch đập (tức là đau theo nhịp tim, bệnh nhân có cảm giác nhịp, giật trên đầu), cường độ đau trung bình hay nặng (mức độ nặng kèm theo triệu chứng buồn nôn hoặc nôn ói), đau tăng thêm khi hoạt động thể lực thông thường hoặc khiến phải né tránh các hoạt động này (ví dụ đi bộ hay leo cầu thang). Các triệu chứng có thể đi kèm đau đầu là vừa đau đầu vừa chóng mặt, đau đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Kiến thức hiện tại cho thấy chưa có tổn thương rõ ràng nào liên quan đến đau đầu Migraine. Giả thuyết được chấp nhận cho cơ chế bệnh sinh là sự rối loạn chức năng thần kinh - mạch máu nguyên phát đưa đến cơn đau đầu này.
Đau đầu Migraine là một rối loạn dễ tái phát. Các yếu tố khởi phát được ghi nhận là thiếu ngủ, căng thẳng thần kinh, ăn bột ngọt nhiều…
Việc điều trị chia làm 2 loại. Những trường hợp đau rời rạc (vài tháng hay vài năm đau một lần) thì chỉ điều trị các đợt cấp cho qua khỏi cơn đau. Trong trường hợp có nhiều cơn đau trong 1 tháng (Migraine mạn tính) sẽ điều trị qua cơn đau và điều trị dự phòng tái phát.
Việc điều trị dự phòng cần chú ý điều chỉnh giấc ngủ, các rối loạn trầm cảm, lo âu đi kèm, có như vậy mới giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn đau đầu khó chịu này.
Chuyên mục trên do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ. Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.
Bình luận (0)