Lấy ý kiến trùng tu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

18/10/2013 11:45 GMT+7

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang lấy ý kiến của người dân xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) xung quanh việc trùng tu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Lấy ý kiến trùng tu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
Mộ và tượng của Đức Ông trong khuôn viên di tích - Ảnh: Lê Lâm

Trước đó, vào ngày 10.5, UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ban, ngành liên quan đã thống nhất phương án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Hiệp Hòa (còn gọi là Cù lao phố thuộc TP.Biên Hòa).Tuy nhiên, sau đó phải hoãn lại để lấy ý kiến người dân. Ông Nguyễn Quang Toại, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai giải thích:“Theo Thông tư 17 của Bộ VH-TT-DL quy định khi trùng tu di tích thì phải hỏi ý kiến quần chúng nhân dân sống ở nơi di tích tọa lạc. Nếu không có sự đồng thuận của người dân, sau này khi làm xong rồi có thể có ý kiến thắc mắc, đặc biệt là các bô lão, bậc nhân sĩ.Với trường hợp đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thì chúng tôi xin ý kiến của Ban Quý tế và nhân dân xã Hiệp Hòa.”

Mở rộng  lên 8.000 m2

Do di tích có phần xuống cấp nên tỉnh Đồng Nai quyết định trùng tu, tôn tạo để di tích đẹp hơn, nhưng vẫn đảm bảo đúng luật di sản văn hóa, không làm thay đổi kết cấu hiện hữu.Theo đó dự án trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh vẫn giữ nguyên trạng kết cấu kiến trúc hiện có, đồng thời mở rộng diện tích của đền từ 5.300 m2 lên hơn 8.000 m2; xây dựng thêm nhà trưng bày, các công trình phụ phục vụ du khách đến tham quan; nâng cấp khuôn viên tổ chức lễ hội tại đền…với tổng kinh phí thực hiện dự tính hơn 69 tỉ đồng. Phương án này do Phân Viện Khoa học công nghệ (KHCN) xây dựng miền Trung (thuộc Viện KHCN xây dựng, Bộ Xây dựng) đưa ra tại cuộc họp ngày 10.5 và được mọi người đồng tình ủng hộ.

Phát triển du lịch tâm linh, tín ngưỡng

Trên mảnh đất Cù lao phố, ngoài đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thì còn có 2  di tích cấp quốc gia nữa đang tọa lạc đó là chùa Đại Giác và thất phủ Cổ miếu (còn gọi là chùa Ông), điểm đặc biệt nữa là 3 di tích này cùng nằm ven sông và rất gần nhau.

Được biết UBND tỉnh Đồng Nai đã có ý định kè ra 5m bờ sông để làm đẹp đoạn sông này (từ đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đến chùa Ông).“Đối với ngành văn hóa; di tích, di sản văn hóa là tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang kết hợp với TP.HCM xây dựng tuyến khu lịch đường sông, cho nên quần thể di tích cấp quốc gia này rất có tiềm năng và ý nghĩa để liên kết cùng các địa điểm khác ven sông Đồng Nai làm nên tuyến du lịch tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa.” Ông Toại nhận định.

Với việc mở rộng diện tích quần thể di tích đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân sống gần đó sẽ bị giải tỏa.Thông tin từ UBND xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết có 21 hộ nằm trong diện giải tỏa đã được nhận tiền đền bù, họ sẽ được bố trí tái định cư tại mảnh đất rộng 4ha trên đường Đặng Văn Trơn (đoạn gần chợ Hiệp Hòa). Hiện dự án tái định cư này đang trong quá trình  xây dựng hạ tầng.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là đình Bình Kính) là di tích lịch sử được nhà nước xếp hạng ngày 25.3.1990. Nơi đây, thờ vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh, một danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam Tổ quốc. Ngôi đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ18.Kiến trúc nội thất của di tích còn được bảo lưu với những hàng cột lớn và nhiều hoành phi đại tự.Đặc biệt, các bàn hương án, nghệ thuật chạm khắc với nhiều đề tài dân gian sinh động.Tại đền còn lưu giữ bộ áo mão, tương truyền của Đức Ông thuở sinh thời. Mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng Tây Nam, sân đền rộng. Mặt trước đền có gắn đôi rồng chầu pháp làm bằng gốm men xanh, hai bên là cặp lân.Hàng cột mặt tiền đắp rồng cuốn mây có đôi liễn chữ nho khắc chìm vào tuờng. Năm 1998, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa- Đồng Nai nằm trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Lê Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.