Gánh chút khó khăn với bà con vùng tâm bão

20/10/2013 03:05 GMT+7

Chiều qua 19.10, anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cùng đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Nam đã cấp tốc đi qua 4 điểm cứu trợ ở 2 huyện Quế Sơn, Thăng Bình (Quảng Nam) để kịp san sẻ khó khăn với đồng bào vùng tâm bão số 11.

 Anh Nguyễn Quang Thông trao tiền cho các cụ già neo đơn tại xã Bình Dương, H.Thăng Bình
Anh Nguyễn Quang Thông trao tiền cho các cụ già neo đơn tại xã Bình Dương, H.Thăng Bình - Ảnh: Nguyễn Tú

Tận cùng khốn khó

Ngay sau khi bão số 11 vừa tan, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Nam đã đến ngay các vùng tâm bão Điện Dương (H.Điện Bàn), Duy Nghĩa, Duy Hải (H.Duy Xuyên), Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cửa Đại (TP.Hội An), Tam Phú (TP.Tam Kỳ), Tam Tiến (H.Núi Thành). Chiều qua, hành trình của đoàn tiếp tục đi qua liên tiếp 4 điểm cứu trợ gồm các xã Quế Phú, Hương An (H.Quế Sơn), Bình Dương, Bình Quý (H.Thăng Bình), mà mỗi hoàn cảnh được sẻ chia là một câu chuyện đầy xúc động.

Cụ Huỳnh Thị Cơ (78 tuổi, trú thôn Mông Nghệ Nam, xã Quế Phú, H.Quế Sơn) sống neo đơn một mình. Bão tan, nhà cụ phải che bạt sống tạm. “Nhà bị tốc mái hết, đồ đạc ướt cả. Ngày bão vào, may bà được mọi người đưa sang nhà hàng xóm núp mới an toàn”, cụ móm mém. Bà Huỳnh Thị Hạnh (80 tuổi, trú thôn Mông Nghệ Bắc) lâu nay sống một mình, giờ đang phải tá túc ở nhà người quen suốt do nhà bị xiêu vẹo.

Tại xã Hương An (cùng H.Quế Sơn), nơi có đến 207 nhà bị tốc mái nặng, hoa màu, hệ thống điện bị hư hỏng..., chúng tôi không kìm được xúc động trước hoàn cảnh của ông Phạm Văn Nam (trú thôn 4). Hai vợ chồng tích cóp bao nhiêu năm mới làm được ngôi nhà, bão càn quét giờ chỉ còn đống đổ nát. Bão đã qua mấy ngày rồi mà con cái vẫn không có chỗ để ngủ... Ở xã Bình Dương (H.Thăng Bình), cụ bà Nguyễn Thị Vang (81 tuổi, trú ở thôn 3) có con trai tâm thần, giờ nhà tốc mái, đang nhờ hàng xóm che tạm. Bà kể, khi gió lớn nổi lên, đứa con ôm chặt cột nhà vì sợ “nhà bay đi”, mãi rồi hàng xóm mới đưa được người con lánh nạn. Có mặt tại UBND xã Bình Dương từ rất sớm, em Phan Văn Bình (lớp 5) bị khiếm thị nặng, cùng em gái dắt nhau đi nhận quà cứu trợ. Bình đi thay cha vốn bị mù, vì dù sao mắt em cũng “sáng” hơn, trong khi mẹ lại bận đi làm ruộng.

Tình người ở lại

Ông Võ Truyền Thống, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Dương, đã xúc động trước đoàn cứu trợ đầu tiên đến với địa phương sau bão. “Đây là món quà đặc biệt trong thời điểm khó khăn này. Nhưng chúng tôi tin với tấm lòng này, bão lũ đi qua nhưng tình người ở lại”.

Trao tận tay những món quà cho người dân vùng tâm bão, anh Nguyễn Quang Thông chia sẻ: “Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã vận động các doanh nghiệp và bạn đọc quyên góp một số tiền để mong chia sẻ phần nào khó khăn với bà con. Của ít lòng nhiều, mong bà con đón nhận và sớm ổn định cuộc sống, trở lại sinh hoạt bình thường”.

Chuyến cứu trợ tại các xã Quế Phú, Hương An (Quế Sơn), Bình Dương, Bình Quý (Thăng Bình) chiều qua gồm tổng cộng 200 suất (1 triệu đồng/suất), kinh phí do Công ty BAT ủng hộ thông qua Báo Thanh Niên.

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến hôm qua 19.10 toàn tỉnh có 6 người chết, 29 người bị thương nặng; 18.387 nhà dân bị tốc mái, 2.750 nhà bị sập (trong đó 283 nhà bị sập hoàn toàn); 74 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính 536 tỉ đồng.

Thanh Niên

>> Cứu trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 13.000 thùng mì tôm cho người dân vùng lũ Hà Tĩnh
>> Báo Thanh Niên cứu trợ bà con Quảng Nam, Quảng Bình
>> Cứu trợ ở vùng tâm bão Quảng Nam
>> Báo Thanh Niên cứu trợ khẩn cấp làng 'lốc xoáy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.