Theo kết luận điều tra, năm 2003, Vũ Quốc Hảo đã chỉ đạo thành lập Công ty Cát Long Hải, phân công Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT, Vũ Đức Hòa làm Giám đốc để kinh doanh. Năm 2006, Vũ Quốc Hảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ALCII, trong thời gian này tình hình kinh doanh các công ty phát sinh thua lỗ, nợ xấu lớn nên Hảo cùng cấp dưới tìm cách xoay tiền để thanh toán nợ xấu cho công ty sân sau. Theo đó, Hảo bàn bạc, thống nhất với Phạm Minh Tuấn thực hiện việc hợp pháp hóa nguồn gốc thiết bị lặn Tinro 2 là tài sản do một doanh nhân người Nhật giao cho Công ty Cát Long Hải sử dụng. Các bị can đã vận chuyển thiết bị này ra Hải Phòng và cố tình để hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng. Sau đó, Hảo chỉ đạo nhân viên Công ty Cát Long Hải thông qua Hoàng Lộc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định VN thẩm định, nâng giá thiết bị tàu lặn lên 130 tỉ đồng. Đồng thời, Vũ Quốc Hảo chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, cán bộ dưới quyền ở ALCII bỏ qua việc thực hiện các quy định của ngành ngân hàng trong hoạt động cho thuê tài chính để lập thủ tục và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng cho thuê tài chính nhằm giải ngân 130 tỉ đồng đảo nợ, mua đất đứng tên Công ty Cát Long Hải.
Cách đây vài ngày, Vũ Quốc Hảo cũng đã bị Viện KSND tối cao ra cáo trạng truy tố trong vụ án: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định Hảo và 10 bị can khác gây thiệt hại hơn 531 tỉ đồng, riêng Hảo chiếm đoạt 88 tỉ đồng.
Thái Sơn - Hoàng Trang
>> Truy tố 11 bị can vụ tham nhũng tại Công ty ALCII
>> Yêu cầu làm rõ tội tham ô tại ALCII
Bình luận (0)