|
Chị Hương chủ quán An Biên vốn không phải người kinh doanh ẩm thực. Ngày chưa mở quán, chị là một phần của ngành kinh doanh hàng hiệu hẳn hoi, từ lúc ngành này chưa đông đảo như bây giờ. Cho đến một ngày, chị lấy chồng Hải Phòng rồi đâm nghiện ẩm thực quê chồng. “Lúc đầu tôi ăn món Hải Phòng thấy ngon. Ngon mà không ăn được nhiều, nên cứ thắc mắc sao lắm người kêu thèm món Hải Phòng thế. Một thời gian sau, chính tôi cũng đâm thèm ăn bánh đa cua, bún tôm liên tục. Lúc đó tôi mới nghĩ đến cách khắc phục. Quán An Biên ra đời từ đó”, chị tâm sự.
Quán lúc đầu nhỏ xíu, có bánh đa cua nổi tiếng với nước canh ngọt, là lạ với chả lá lốt thả cùng chả cá. Có thạch xanh chưa chạm tới môi đã trôi tới cổ. Có cả sủi zìn- phiên bản kỳ lạ của bánh trôi tàu, nhưng nhỏ hơn, nhỏ xíu, nhân vừng đen thơm kỳ lạ, tất cả trôi trong nước đường, thoáng mùi gừng ngậy mà không hắc. Sủi zìn múc vào bát nhỏ như bát ăn trứng vịt lộn, là món nhà hàng khuyến mại.
Nhưng An Biên phiên bản đầu đã không thể đáp ứng nhu cầu khách, phần vì quán nhỏ, phần vì ít món. Chị Hương, do đó phải tính thêm cách mở rộng kinh doanh, bằng cách chuyển địa điểm, thực đơn cũng dài hơn hẳn. Cá nướng, cá chiên, chả cá chiên, bánh bèo Hải Phòng, nem rau, nem tôm cua bể, nước quất, chè đen (đỗ) ăn với quẩy... Sủi zìn định đến lạnh hẳn mới bán nhưng trời chưa chuyển mùa đã lên mâm vì khách hỏi quá nhiều. “Nhiều gia đình Hải Phòng đến quán ăn cho đỡ nhớ, khách Hà Nội cũng đến đông”, chị Hương nói.
Mang đậm đặc trưng Hải Phòng, nhưng chị Hương cũng đã "Hà Nội hóa" một chút để món ăn cân đối dinh dưỡng hơn. Món nem cua bể tuy vẫn vuông, vẫn có con tôm nằm hãnh diện trong đó, nhưng vỏ bánh đã thành bánh đa kiểu Hà Nội, giúp nem bớt ngấy, bớt giống bột chiên hơn nếu so với bánh đa nem Hải Phòng. Nem cũng được ăn kèm với nhiều rau hơn. Nước chấm ngả chua ngọt thanh hơn, tuy vẫn dùng dấm hoa quả “thửa” từ thành phố biển. Bánh đa cua cũng được thêm rau nhiều. Món này cực lý tưởng nếu khách ăn đúng mùa rau rút.
Giờ đây, khi gió mùa đã về, An Biên là chỗ trú lý tưởng với nhiều thức quà, và sẽ lý tưởng hơn nếu đi đông người, vì càng đông càng dễ ăn hết các món có trong danh mục của quán. Ai dại gì mà bỏ qua món bánh bèo rất giòn, trong nước chấm có cả viên chả. Chủ quán mách ai biết dầm miếng chả ra rồi thả bánh vào ăn thì đích thị 100% Hải Phòng. Chả cá, xiên cá, xiên tôm thơm ngọt vì tươi mới rất quyến luyến nước mắm Cát Hải. Bánh đa cua đã ngon, còn thêm cả bánh đa cua trộn cho đúng mốt. Nem cắn đến đâu thấy biển đến đấy, cứ ngồi giữa thủ đô mà hưởng vị tôm cá Hải Phòng. Nước chấm pha dấm hoa quả. Tương ớt xé tan lưỡi và mũi vì cay thơm - đích thị tương ớt Hải Phòng. Thêm cốc thạch xanh lá găng nữa là mát “toàn tập”, giải ngấy cho các món rán.
Thực đơn toàn quà vặt của An Biên tưởng chừng sẽ hút toàn khách nữ, thế nhưng khách nam đến cũng rất đông. “Có chàng trông vừa vừa người, tới ăn sáng thôi mà làm luôn hai bát bánh đa cua. Nhìn cũng đoán được đấy là dân Hải Phòng chính hiệu bị “nhịn” quà quê lâu ngày. Mở quán ra, mới thấy người Hải Phòng lập nghiệp ở Hà Nội đông thật”, chị Hương chủ quán nói.
Trinh Nguyễn
>> Ẩm thực Bắc Kinh tại Đà Nẵng
>> Ẩm thực Thái Lan đến bếp Việt
>> Khám phá lễ hội ẩm thực mỹ đầy màu sắc trên đất Việt
>> Khai mạc Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam lần 3
Bình luận (0)