Ván cờ tình báo Mỹ - châu Âu

26/10/2013 09:00 GMT+7

Những thông tin được tiết lộ liên tục những ngày gần đây về việc Mỹ theo dõi nhiều đồng minh ở EU trên thực tế là chuyện “mới mà cũ”.

Những thông tin được tiết lộ liên tục những ngày gần đây về việc Mỹ theo dõi nhiều đồng minh ở EU trên thực tế là chuyện “mới mà cũ”. 

Ván cờ tình báo Mỹ - châu u
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trước cuộc thảo luận về cách phản ứng với Mỹ hôm qua - Ảnh: AFP

Từ đầu tuần, truyền thông Pháp và Đức lần lượt công bố các tài liệu do cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từng nghe lén điện thoại của hơn 70 triệu người Pháp chỉ trong vòng 1 tháng và không chừa cả điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Những thông tin trên chưa kịp nguội, tối 24.10, tờ The Guardian dẫn một tài liệu mật từ Snowden tiết lộ NSA đã nghe lén điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới. Tài liệu không nêu tên những người bị theo dõi, chỉ cho biết tình báo Mỹ đã “khuyến khích” các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên lạc của các chính trị gia nước ngoài. Từ đó, các thành viên của đơn vị tình báo điện tử sàng lọc lại để xác định chính xác thông số về điện thoại của 35 vị lãnh đạo mục tiêu. Trước đó, Brazil phản ứng giận dữ trước tin Tổng thống Dilma Rousseff cũng là mục tiêu do thám của Washington.

Có thể thấy, từ lúc truyền thông bắt đầu đưa tin về việc chương trình theo dõi toàn diện của Mỹ (PRISM) bao gồm cả các đồng minh thân cận ở châu u, EU có lên tiếng phản đối nhưng với những cung bậc khác nhau giữa từng thành viên. Phải đợi đến khi những thông tin chấn động được công bố hồi đầu tuần, các quốc gia thuộc liên minh này mới lên giọng “cùng một tông”. Trong hội nghị thượng đỉnh EU ngày 24 - 25.10, hầu hết các nhà lãnh đạo có mặt đều tỏ ra đồng tình với những đề xuất của Pháp và Đức về các biện pháp đối phó hoạt động theo dõi Mỹ như: soạn thảo bộ quy tắc ứng xử về tình báo song phương, yêu cầu Washington giải thích thỏa đáng về vấn đề này… Trong khi đó, đến nay, Mỹ tỏ ra rất bình thản và hầu như chỉ đáp trả đơn giản bằng cách bác bỏ mọi cáo buộc, xoa dịu đồng minh hoặc từ chối trả lời.

 

“Không xài là chắc ăn”

Trước thông tin 35 nhà lãnh đạo trên thế giới có thể bị Mỹ nghe trộm điện thoại, Ấn Độ lại tỏ ra bình thản vì Thủ tướng Manmohan Singh… không dùng điện thoại di động hay thư điện tử cá nhân để mà bị theo dõi. “Phủ thủ tướng có dùng email nhưng bản thân Thủ tướng thì không có tài khoản thư cá nhân hay điện thoại đi động. Chúng tôi không có lý do gì để lo lắng”, AFP dẫn lời một phát ngôn viên của ông Singh nói. Đây có lẽ là giải pháp “chắc ăn” nhất vì theo tờ Bild, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cài thẻ bảo mật trị giá đến 2.618 euro vào điện thoại của mình nhưng vẫn không thoát khỏi “lỗ tai nối dài” của NSA.

Thái độ của Mỹ và EU cho thấy việc theo dõi qua lại giữa các đồng minh thật ra là chuyện đôi bên đã “hiểu ngầm” từ lâu. Điều mới lạ trong những tiết lộ của Snowden, như Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp Éric Denécé nhận định với tờ Le Point, là quy mô quá lớn của hoạt động tình báo Mỹ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị đến cả kinh tế, tài chính.

Trong bài viết ngày 25.10 trên tờ Le Monde, sử gia Jacques Villain cho biết ngay sau Thế chiến 2, Mỹ đã xây dựng mạng lưới tình báo khắp châu u với Pháp là mục tiêu hàng đầu, đặc biệt từ thời nhà lãnh đạo Charles de Gaulle. Mỹ rất dè chừng chủ trương khẳng định tiếng nói của Pháp trên trường quốc tế của ông de Gaulle. Do đó, Washington luôn theo dõi sát sao các hoạt động đối ngoại và chương trình nghiên cứu bom nguyên tử của Paris.

Tháng 2.1960, máy bay Mỹ đã lượn lờ ở Libya để thu thập dữ liệu từ những đám mây nhiễm xạ do vụ thử hạt nhân đầu tiên của Pháp. Trong thời gian này, một máy bay khác của Mỹ từng xâm nhập không phận Pháp để chụp hình Nhà máy hạt nhân Pierrelatte. Năm 1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho phép công bố hàng trăm tấm hình do vệ tinh nước này chụp tại Pháp và nhiều quốc gia khác.

Theo tạp chí Foreign Policy, Mỹ đặc biệt tăng cường do thám Pháp trong giai đoạn năm 2003 khi chính quyền của Tổng thống Jacques Chirac phản đối chiến dịch tấn công Iraq. Gần đây nhất, hồi tháng 4.2012, hệ thống máy tính của Điện Élysée từng bị tin tặc tấn công. Đến nay, Pháp vẫn nghi ngờ Mỹ đứng sau vụ này dù Washington nhiều lần chối bỏ.

Theo ông Denécé, hiện không quốc gia nào có đủ phương tiện để kiểm soát việc theo dõi của Washington đối với nước mình mà chỉ hạn chế nguy cơ bằng cách tăng cường các biện pháp an ninh. Do đó, để đối phó, các thành viên EU phải cùng thống nhất để tạo sức ép ngoại giao, chẳng hạn như gần đây Nghị viện châu u đã thông qua nghị quyết đề nghị đình chỉ thỏa thuận về cung cấp thông tin chống khủng bố và tội phạm với Mỹ.

Mỹ cảnh báo đồng minh

Ngày 25.10, tờ The Washington Post dẫn các nguồn tin cấp cao của Washington cho biết Mỹ đã cảnh báo các đồng minh rằng những tài liệu của Snowden có thể làm lộ việc cơ quan tình báo các nước hợp tác với nhau để bí mật do thám những mục tiêu chung như Nga, Trung Quốc và Iran.

Tờ báo không nói rõ chi tiết nhưng theo một quan chức, nhiều tài liệu trong tay Snowden chứa thông tin về cách NATO thu thập thông tin về quân đội Nga cho không quân và hải quân Mỹ. “Nếu người Nga nắm được những thông tin này thì họ sẽ dễ dàng ngăn chặn những chiến dịch hợp tác của tình báo Mỹ và các đồng minh châu u”, quan chức trên nói.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Đến lượt email của tổng thống Mexico bị Mỹ theo dõi?
>> Mỹ bị cáo buộc do thám Thủ tướng Đức
>> Mỹ bị tố theo dõi tập đoàn dầu mỏ Brazil
>> Mỹ nghe lén điện thoại của 35 nguyên thủ quốc gia 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.