Sau 2015, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thay thế dạy học phân ban ở cấp THPT hiện nay bằng phân hóa theo hướng tự chọn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra làm thế nào để học sinh được chọn theo nhu cầu và khả năng của mình.
|
Học sinh chọn chuyên đề theo khả năng
Từ lớp 11, ngoài 3 môn học bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ 1), học sinh (HS) sẽ học các chuyên đề tự chọn phù hợp với những đặc điểm cá nhân, định hướng nghề nghiệp. Trên cơ sở danh sách các chuyên đề do Bộ ban hành, sở GD-ĐT đề xuất, tùy điều kiện, năng lực, từng trường sẽ tổ chức cho HS chọn và học các chuyên đề phù hợp.
Dạy học theo hướng tự chọn sẽ rất khó về mặt tổ chức nhưng đó là xu hướng tất yếu phải theo. Chủ trương của Bộ là dù tự chọn theo môn hay chuyên đề đều phải làm dần dần |
||
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển |
||
Theo dự thảo này, có thể hình dung cách thức tổ chức dạy học chuyên đề tự chọn như sau: Từ đầu năm học lớp 10, trường tổ chức hoạt động hướng nghiệp. Đến cuối năm, tất cả HS đều đã lựa chọn được nghề nghiệp tương lai. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch dạy học, trường công bố danh mục các môn, chuyên đề tự chọn ở lớp 11, 12 mà nhà trường có đủ năng lực thực hiện. HS căn cứ vào ngành nghề tương lai để chọn các chuyên đề tự chọn thích hợp.
Trên cơ sở này, trường xây dựng thời khóa biểu dạy học (theo phòng học bộ môn) và phân công giáo viên. Phương pháp dạy học là tự học, làm việc theo nhóm, seminar, thực hiện dự án học tập (tiếp cận phương pháp học ĐH, CĐ, đào tạo nghề).
Ngoài đánh giá thường xuyên của giáo viên, kết thúc mỗi chuyên đề sẽ có đánh giá tổng kết (có thể thông qua bài kiểm tra giấy hoặc kết hợp kiểm tra kỹ năng thực hành). HS phải đạt điểm trung bình trở lên thì mới được coi là đạt yêu cầu.
Nhiều cái khó cần giải quyết
Dù có nhiều ưu điểm nhưng hiện học tự chọn theo chuyên đề sẽ có nhiều trở ngại trong tình hình ở Việt Nam nếu không có sự điều chỉnh.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm mô hình này ở Hàn Quốc: “Việc triển khai hệ thống các môn học tự chọn ở nước này có nhiều trắc trở trong đó có sự phản đối của nhiều giáo viên vì họ cảm thấy bị đe dọa bởi nguy cơ mất việc, nhất là đối với các môn mà HS không thấy hứng thú lắm”. Bên cạnh đó, HS có xu hướng chỉ chọn những môn có lợi cho việc chuẩn bị thi vào ĐH. “Tuy vậy, Hàn Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi định hướng đó và hoàn thiện nó chứ không chối bỏ”, ông Hùng cho hay. Với Việt Nam, theo ông Hùng, ngoài nỗi lo như đã diễn ra ở Hàn Quốc, chúng ta còn lo về cơ sở vật chất, nhất là phòng học, chất lượng đội ngũ giáo viên, năng lực quản lý...
Nhiều người lo ngại hầu hết HS sẽ tập trung chọn các môn tự nhiên, giáo viên các môn xã hội sẽ không đủ giờ dạy dẫn đến sự xáo trộn về nhân lực trong ngành giáo dục. Theo PGS Bùi Mạnh Hùng, để giải quyết vấn đề này, việc đổi mới thi ĐH dù theo phương án nào thì cũng không nên thi theo khối (A, B,C, D...) như hiện nay vì nếu tiếp tục tuyển sinh theo khối thì HS cũng sẽ tiếp tục tập trung học những môn thuộc khối thi.
Ngoài ra, còn những lo ngại khác. Ông Tống Xuân Tám, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đặt vấn đề với điều kiện hiện nay, HS đăng ký xong liệu có đủ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng không? Đại diện NXB Giáo dục cho rằng các nước thực hiện dạy học phân hóa tốt vì sĩ số của mỗi lớp rất ít nên các tổ hợp lựa chọn không quá lớn. Trong khi đó, sĩ số của các trường nước ta tới 45 - 50 HS liệu có đáp ứng được yêu cầu đó?.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Bộ xác định dạy học theo hướng tự chọn sẽ rất khó về mặt tổ chức nhưng đó là xu hướng tất yếu phải theo. Chủ trương của Bộ là dù tự chọn theo môn hay chuyên đề đều phải làm dần dần”. Ông Hiển cho rằng chắc chắn sẽ phải có sự dàn xếp giữa nhà trường và HS chứ không phải đáp ứng được hết tất cả nhu cầu của HS ngay được.
Học sinh có thể học tự chọn ở trường khác Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trường học sẽ là hệ thống mở, không chỉ HS của trường nào học ở trường đó. Trong trường hợp HS có nhu cầu học chuyên đề tự chọn ngoài danh mục nhà trường công bố hoặc số lượng HS chọn chuyên đề nào đó quá ít không đủ lập một lớp, nhà trường và HS có thể thỏa thuận để cho phép HS học chuyên đề đó ở trường khác. Giáo viên cũng không phải chỉ của trường, có thể mời giáo viên trường khác, các chuyên gia, các nhà khoa học hoặc cả nghệ nhân... tham gia giảng dạy các chuyên đề. Theo dự kiến về hệ thống môn học sau 2015, HS lớp 11,12 học 3 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1 và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc gồm thể chất, hướng nghiệp, quốc phòng - an ninh, tập thể. Ngoài ra, HS tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, giáo dục công dân, công nghệ, xã hội học. Tự chọn tùy ý một số môn chuyên đề mở rộng thuộc các lĩnh vực: văn, toán, vật lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ, môi trường, thể dục, thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, kinh tế và kinh doanh, nghề; môn ngoại ngữ 2. |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)