Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi ưu tiên duy trì môi trường hòa bình và ổn định với các nước láng giềng trong chiến lược đối ngoại toàn diện.
|
Trung Quốc phải củng cố quan hệ hữu nghị với các láng giềng, phấn đấu làm cho họ thân thiện hơn về chính trị, gần gũi hơn về kinh tế. Đó là chỉ thị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị về chính sách ngoại giao của Bắc Kinh trong hai ngày 24 và 25.10, theo Tân Hoa xã. Ông Tập nhấn mạnh: “Duy trì môi trường hòa bình và ổn định giữa các nước láng giềng phải là mục tiêu trong chính sách ngoại giao của chúng ta”.
Phát biểu tại hội nghị có sự tham dự của toàn bộ các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, các quan chức đảng các cấp và lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, ông Tập tuyên bố việc duy trì quan hệ với các nước láng giềng còn đóng vai trò then chốt với công cuộc “phục hưng quốc gia”. Theo giới quan sát, hội nghị về chính sách ngoại với nhiều thành phần tham dự như thế là sự kiện hiếm hoi, cho thấy ông Tập Cận Bình muốn có sự phối hợp sâu rộng giữa các bộ ngành trong nỗ lực toàn diện nhằm đạt được mục tiêu đối ngoại. Tờ South China Morning Post dẫn lời Giáo sư Tô Hạo thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận xét chỉ thị của ông Tập cho thấy ông muốn tất cả đơn vị liên quan đến ngoại giao nhìn về một hướng và cùng làm việc với nhau. Theo ông Tô, hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đôi khi bị cản trở do nhiều cơ quan “tự ý làm theo cách của họ”.
Trung Quốc nỗ lực vạch ra chính sách đối ngoại mới giữa lúc nước này chịu nhiều tổn hại về hình ảnh vì cách hành xử ngang ngược trong tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng. Trong cuộc phỏng vấn trên báo The Wall Street Journal ngày 25.10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo: “Có nhiều quan ngại rằng Trung Quốc đang cố ý thay đổi hiện trạng (các đảo tranh chấp - PV) bằng vũ lực hơn là theo luật pháp. Nếu thật sự lựa chọn cách đó, Trung Quốc sẽ không thể trỗi dậy một cách hòa bình”.
Ông Abe cho rằng nhiều quốc gia khu vực hy vọng Trung Quốc hành động có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trước đó, Trung Quốc và Hàn Quốc kịch liệt phản đối khi Nhật đưa lên trang YouTube 2 đoạn phim tuyên truyền chủ quyền của Tokyo đối với Senkaku/Điếu Ngư và Dokdo/Takeshima, nhóm đảo tranh chấp giữa Tokyo và Seoul. Đến ngày 26.10, Đại sứ Hàn Quốc ở Trung Quốc Kwon Young-se tuyên bố Seoul sẽ đẩy mạnh hợp tác ngoại giao với Bắc Kinh để ứng phó những động thái nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với Dokdo/Takeshima, theo Yonhap.
Oanh tạc cơ Trung Quốc bay sát Nhật Bản Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật ngày 25.10 đã triển khai chiến đấu cơ để theo dõi 4 máy bay quân sự Trung Quốc bay trên vùng biển quốc tế nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako. Đây là lần đầu tiên có đến 4 máy bay quân sự Trung Quốc bay từ biển Hoa Đông đến Thái Bình Dương trong cùng một ngày, Kyodo News dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật cho hay. Tuy nhiên, Bộ này khẳng định những máy bay trên, gồm 2 máy bay cảnh báo sớm Y8 và 2 oanh tạc cơ H6, không vi phạm không phận Nhật, nước hiện có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Minh Trung |
Văn Khoa
>> Ông Tập Cận Bình thăm tàu sân bay
>> Ông Tập Cận Bình tuyên bố không thỏa hiệp về biển đảo
>> Ông Tập Cận Bình tiếp đặc sứ Đài Loan
>> Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Senkaku/Điếu Ngư là lợi ích cốt lõi
>> Ông Barack Obama tặng ông Tập Cận Bình ghế “làm từ gỗ Mỹ”
>> Obama và Tập Cận Bình nhất trí giải quyết tranh chấp an ninh mạng
>> Tập Cận Bình: Quan hệ Trung - Mỹ ở vào thời khắc quyết định
Bình luận (0)