1. Đức
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rất tức giận với Mỹ sau khi thông tin điện thoại của bà bị dính bọ nghe lén của tình báo Mỹ.
Tuy nhiên, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), vốn đang hứng “búa rìu” dư luận vì chương trình nghe lén nội địa và các nước đồng minh Mỹ, lại là một trong những đối tác của Đức, theo Global Post.
Tờ Der Spiegel (Đức) hồi tháng 7 từng đưa tin cho biết Cơ quan tình báo Đức đã hợp tác với NSA để thu thập thông tin của chính người dân Đức bằng phần mềm XKeyScore.
Phần mềm XKeyScore là công cụ cho phép người dùng kiểm soát và lưu trữ thông tin từ các tin nhắn cá nhân.
2. Pháp
|
Vào tháng 7, tờ Le Monde (Pháp) đưa tin cho biết Chính phủ Pháp theo dõi người dân trong nước theo cách thức giống như Chính phủ Mỹ.
Le Monde cho hay Cơ quan tình báo Pháp DGSE thu thập tin tức hằng ngày từ các cuộc gọi điện thoại, email, tin nhắn và các trang mạng xã hội.
DGSE đã lưu trữ các thông tin cá nhân này trong nhiều năm. Chính phủ Pháp đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Le Monde.
3. Anh
|
Cơ quan tình báo Anh GCHQ đã và đang chia sẻ thông tin thu thập về người dân trong nước với NSA thông qua một chương trình mang tên PRISM, tờ The Guardian (Anh) tiết lộ hồi tháng 6.
Chính phủ Anh đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng đây là một lời buộc tội “vô căn cứ”.
4. Nga
|
Chính phủ Nga đã cho lắp đặt một hệ thống theo dõi để nghe lén các cuộc chuyện trò giữa các vận động viên và quan khách tại Thế vận hội Sochi, dự kiến diễn ra vào năm 2014, AFP cho biết hồi đầu tháng 10.
Hệ thống do thám này có tên gọi là SORM, được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1980.
Trong suốt thời gian Thế vận hội diễn ra, các cơ quan an ninh sẽ có quyền theo dõi tất cả các cuộc liên lạc bằng điện thoại và internet mà không cần phải báo với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông.
5. Zimbabwe
|
Chính quyền Tổng thống Robert Mugabe tại Zimbabwe thời gian gần đây đã yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng và công ty viễn thông lưu lại thông tin về người dùng trong 5 năm, theo Global Post.
Thông tin này sẽ được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chính phủ Zimbabwe biện hộ rằng việc thu thập này là một biện pháp chống tội phạm, nhưng giới quan sát nghi ngờ rằng đây là một cách thức để chính phủ theo dõi người dân.
6. Syria
|
Mạng internet tại Syria hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của hai công ty lớn, đều được thành lập bởi Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Global Post cho hay.
Hai công ty này thu thập thông tin về tất cả các hoạt động trực tuyến và không trực tuyến của người dân trong nước.
Ngoài ra, hai công ty của ông Assad còn chặn các tin nhắn và ngăn truy cập internet để ngăn cản các cuộc biểu tình.
Theo một báo cáo của Tổ chức Phóng viên không biên giới, Syria là một trong những quốc gia hoạt động tình báo mạnh nhất thế giới.
7. Iran
|
Chính phủ Iran không chỉ kiểm duyệt các trang web, mà còn thu thập thông tin cá nhân của người dân, với sự giúp đỡ của các hãng công nghệ phương Tây như Nokia và Siemens, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho hay hồi tháng 6.
Tehran bí mật truy cập vào email, tài khoản Facebook và Twitter, cũng như nghe lén các cuộc gọi điện thoại, theo Wall Street Journal.
8. New Zealand
|
Chính phủ New Zealand đã ban hành một đạo luật mới cho phép cơ quan tình báo nước này do thám người dân trong nước, AFP đưa tin ngày 21.8.
Đạo luật này mở rộng thêm quyền hạn cho Cục An ninh truyền thông chính phủ và Thủ tướng New Zealand John Key thừa nhận rằng luật mới đã khiến một số người bị “bối rối và bất an”.
“Chính phủ cần phải bảo vệ người dân khỏi các mối đe dọa. Những mối đe dọa này có thật và đánh giá thấp chúng sẽ khiến chúng ta bị hủy diệt”, ông Key biện hộ.
9. Bahrain
|
Chính phủ Bahrain đã mua phần mềm do thám FinFisher của tập đoàn Gamma (Anh) và dùng phần mềm này để theo dõi các nhà hoạt động đối lập trong nước lẫn nước ngoài, Global Post cho biết.
Cách thức triển khai FinFisher của Chính phủ Bahrain là gửi cho các nhà hoạt động một email mang chủ đề mà những người này quan tâm, chẳng hạn như tù chính trị hoặc các cáo buộc về phương pháp tra tấn của chính phủ.
Ẩn bên trong bức email là phần mềm FinFish và một khi người nhận đọc email thì Chính phủ Bahrain có thể lấy được dữ liệu trong máy, thu được phím đã gõ và chặn hội thoại Skype, theo Global Post.
10. Canada
|
Một nhóm dân quyền Canada hồi tuần trước đã tố cáo chính phủ bí mật theo dõi người dân trong nước, AFP đưa tin hôm 22.10.
Nhóm này cho biết Cơ quan tình báo Canada, gọi tắt là CSEC, hiện đang thu thập thông tin cá nhân của người dân.
Người đứng đầu CSEC đã bác bỏ cáo buộc này, theo AFP.
Hoàng Uy
>> Hàng ngàn người Mỹ biểu tình phản đối NSA
>> Báo chí Mỹ ‘kém tự do ngôn luận’ trong vụ do thám của NSA
>> Nga cân nhắc theo dõi công dân kiểu NSA
>> NSA có chương trình ám sát bí mật?
Bình luận (0)