Không chỉ là chuyện con dấu

31/10/2013 03:00 GMT+7

Đầu tuần này, khi UBND TP.HCM gửi công văn khẩn đến Văn phòng Chính phủ đề nghị kiểm tra, thu hồi, hủy con dấu và cấp con dấu khác cho Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM thì mọi người hiểu rằng vụ việc này đã đến mức cao trào.

Đầu tuần này, khi UBND TP.HCM gửi công văn khẩn đến Văn phòng Chính phủ đề nghị kiểm tra, thu hồi, hủy con dấu và cấp con dấu khác cho Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM thì mọi người hiểu rằng vụ việc này đã đến mức cao trào.

Vậy thì đâu là nguồn gốc của vấn đề?

Đó là mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi của các nhóm thành viên âm ỉ trước giờ, nay cộng thêm quy trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục có nhiều bất hợp lý khiến nó bùng nổ.

Ra đời trong những năm 90, lúc bấy giờ các trường ĐH ngoài công lập tồn tại theo loại hình dân lập. Tuy nhiên so với quy chế 86/2000 của Thủ tướng Chính phủ quy định trường ĐH dân lập phải do một tổ chức đứng ra thành lập thì thực tế không hoàn toàn đúng như vậy. Luật Giáo dục năm 2005 và các văn bản dưới luật lại cho thấy ở ĐH không có loại hình trường dân lập. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2006 cho phép 19 trường ĐH dân lập chuyển đổi sang tư thục. Chủ trương không có gì sai nhưng như lời nhiều lãnh đạo trường ngoài công lập, có những văn bản pháp quy hoặc dưới luật để thực hiện thì lại không đúng tinh thần chủ trương.

Thực chất của quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục là chuyển hình thức sở hữu tập thể sang tư nhân. Do đó mắc mứu trong quá trình chuyển đổi là hình thức sở hữu và quyền lãnh đạo nhà trường.

Thông tư 20 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 16.7.2010 quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi từ dân lập sang tư thục xác định vốn điều lệ không dưới 50 tỉ đồng. Khi chuyển từ dân lập sang tư thục, tài sản của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM khoảng 13 tỉ đồng. Lúc bấy giờ có nhà đầu tư bỏ vào đủ số tiền để trường này chuyển đổi. Căn cứ vào quy chế của trường tư thục thì người càng có tiền càng có quyền lực. Trong khi các trường cần vốn mà nhà đầu tư khi bỏ vốn vào phần lớn đều vì lợi nhuận nên luôn phát sinh mâu thuẫn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những lình xình của trường này cũng như đã và có thể sẽ của một số trường khác.

Lộ trình chuyển đổi này không hề đơn giản nên dù bắt đầu từ năm 2006 và ban đầu dự kiến đến tháng 7.2007 cả 19 trường dân lập phải hoàn tất chuyển đổi nhưng đến giờ chỉ được vài ba trường mà những trường thành công về bản chất, ngay từ ban đầu họ đã là trường tư thục. Đến giờ con đường chuyển đổi ngày càng khó khăn và không biết bao giờ mới kết thúc.

Khó có thể giải quyết từ gốc của vấn đề nên trong vụ việc Trường ĐH Hùng Vương, cả UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT đều khá là lúng túng. Vấn đề con dấu là dấu chấm hết về nguyên tắc để chấm dứt 15 năm tồn tại của ĐH Hùng Vương.

Đã có những điều chỉnh trong thời gian qua nhưng chắc chắn cần thêm nhiều sửa đổi về lộ trình chuyển đổi cũng như các văn bản liên quan đến hoạt động của trường ĐH tư thục trên cơ sở không vì quyền lợi, động cơ của nhóm lợi ích nào thì mới hy vọng không còn những trường hợp tương tự như Hùng Vương.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.