|
Ngày 1.11, chính phủ Nhật phủ nhận Lực lượng Phòng vệ biển (MSDF) “có hành động can thiệp” vào cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc vừa diễn ra. “Tôi thấy không có bất kỳ vấn đề nào miễn là chúng tôi tiến hành hoạt động giám sát thường kỳ theo luật pháp quốc tế”, Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera khẳng định. Còn Phó chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato tuyên bố Nhật sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động quân sự của nước ngoài trong khu vực.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân chỉ trích tàu chiến và máy bay quân sự của Nhật có mặt trong khu vực tập trận của nước này ở Tây Thái Bình Dương là “hành động khiêu khích nguy hiểm”. Tân Hoa xã dẫn lời ông Dương nói Trung Quốc đã thông báo trước về cuộc tập trận từ 24.10 - 1.11 trên vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, theo ông, tàu số 107 của MSDF đã tiến vào phạm vi diễn tập vào ngày 25.10 rồi ở đó đến 3 ngày còn máy bay giám sát của Nhật cũng nhiều lần có mặt.
Căng thẳng Nhật - Trung dâng cao từ tuần qua khi hai bên có nhiều tuyên bố cứng rắn nhằm vào nhau xung quanh vụ tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngay sau khi Trung Quốc kết thúc tập trận, đến lượt Nhật tiến hành diễn tập quy mô lớn từ ngày 1 - 18.11 nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các đảo xa với sự tham gia của 34.000 binh sĩ cùng nhiều tàu khu trục và chiến đấu cơ.
Trong một diễn biến khác, tại phiên điều trần ngày 30.10 (giờ địa phương), Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Dana Rohrabacher cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông còn mơ hồ, gây ra nhiều lo ngại.
Ông Rohrabacher còn nói thế giới cần có phản ứng các “ý đồ” của Trung Quốc để bảo đảm hòa bình trong khu vực, theo website Foreignaffairs.house.gov của hạ viện Mỹ. Trung Quốc chưa có phản ứng về các tuyên bố trên.
Đồ gia dụng Trung Quốc “chứa bọ do thám” Truyền thông Nga loan tin giới chức tại thành phố St Petersburg đã phát hiện từ hàng chục bàn ủi và ấm đun nước bằng điện nhập khẩu từ Trung Quốc có “bọ do thám” có tác dụng phát tán vi rút và mã độc cho các máy tính kết nối internet không dây trong bán kính 200 m và có thể “truyền dữ liệu đến máy chủ ở nước ngoài”. Trung Quốc chưa có phản ứng về cáo buộc trên. Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều biến động và nhiều bên lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc, có vẻ như Nhật và Nga đang tìm cách xích lại gần nhau, bất chấp vấn đề chủ quyền nhóm đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc. Theo Kyodo News, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng 2 nước ngày 1.11 bắt đầu cuộc hội đàm 2+2 lần đầu tiên ở Tokyo. Nội dung cuộc gặp kéo dài 2 ngày xoay quanh vấn đề biển đảo và hợp tác an ninh. Minh Trung |
Văn Khoa
>> Xác nhận thủy thủ Việt đã tử nạn trên tàu Trung Quốc
>> Tàu Trung Quốc tập huấn với Hải quân Mỹ
>> Tàu Trung Quốc 'lảng vảng' quanh quần đảo tranh chấp với Nhật
>> Giúp ngư dân bị tàu Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa
>> Phản đối hành động tàu Trung Quốc truy đuổi, uy hiếp 2 tàu cá Việt Nam
>> Nhật sẽ phóng 9 vệ tinh để theo dõi tàu Trung Quốc
Bình luận (0)