Hậu Giang đang tập trung đầu tư nâng cao chất lượng 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường và tăng thu nhập cho nông dân.
|
Xây dựng vùng chuyên canh
UBND tỉnh Hậu Giang vừa thông qua Chương trình phát triển nông sản chủ lực giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo chương trình, tỉnh chọn ra 10 sản phẩm nông sản chủ lực, dựa trên các tiêu chí: tiềm năng về thị trường, tỷ lệ dân tham gia, khả năng tận dụng tốt điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao... 10 loại nông sản này được chia thành 4 nhóm cây trồng, vật nuôi. Theo đó, cây lúa chiếm khoảng 78.000 ha (32.000 ha lúa chất lượng cao), tổng sản lượng đạt từ 1,1 - 1,2 triệu tấn/năm. Cây mía chiếm diện tích 10.000 - 12.000 ha, tổng sản lượng 1,1 - 1,2 triệu tấn/năm. Nhóm cây ăn quả 14.500 ha, gồm: bưởi Năm Roi (2.000 - 2.500 ha), cam sành (6.000 - 8.000 ha), chanh không hạt (2.000 ha), quýt đường Long Trị (1.000 ha), khóm Cầu Đúc (2.000 - 2.500 ha), xoài (3.000 ha). Nhóm thủy sản gồm cá thát lát Hậu Giang (300 ha), cá rô đầu vuông (300 ha). Các sản phẩm chủ lực này được lựa chọn từ nhiều loại nông sản ở địa phương, có ưu thế về chất lượng, mẫu mã, đủ sức cạnh tranh với những loại nông sản khác trong khu vực.
Theo ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, mục tiêu của chương trình nhằm hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng lớn, ổn định; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và quy trình sản xuất tiến bộ; hoàn thiện quy trình sản xuất của từng loại nông sản chủ lực.
Tổng vốn đầu tư cho chương trình gần 1.900 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 586,3 tỉ đồng và vốn huy động từ người dân khoảng 1.313,4 tỉ đồng.
Chú trọng thị trường nội địa
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, hiện chương trình đã hoàn thành bước chuẩn bị và chính thức đi vào sản xuất từ đầu năm 2014. Để chương trình thực sự có hiệu quả, tỉnh chú trọng các giải pháp xây dựng và đổi mới quy trình sản xuất (giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến), khâu tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Về đầu ra, Hậu Giang xác định chỉ một phần sản phẩm sẽ đưa vào siêu thị, còn chủ yếu là tiêu thụ ở các chợ đầu mối, điểm du lịch nội địa. Qua khảo sát, tỉnh có 5 điểm thu gom hàng nông sản tư nhân đã hình thành từ lâu đời, có thể đầu tư xây dựng thành chợ đầu mối, tập trung tại H.Châu Thành, TX.Ngã Bảy, cầu Cái Tư (TP.Vị Thanh), xã Phương Bình (H.Phụng Hiệp) và thị trấn Nàng Mau (H.Vị Thủy). Ngoài ra, tỉnh sẽ mở các đại lý bán sản phẩm tại các trung tâm đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Ðà Nẵng... “Chương trình này không chỉ mở ra hướng sản xuất tập trung, bền vững, tạo đầu ra sản phẩm ổn định mà còn nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản Hậu Giang ở thị trường trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Liên Khoa, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết chương trình hướng tới 80% nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật; 10 - 15% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; 70 - 80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ dùng lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương hơn 80%; nhóm cây ăn quả có múi, mía, rau màu... sử dụng từ 90 - 100% giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao; bảo đảm hơn 80% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh. Trong 10 sản phẩm nông sản chủ lực, có 3 - 5 loại (bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đầu vuông) phấn đấu đạt tiêu chuẩn GAP. |
Kim Anh
Bình luận (0)