Những di tích kỳ bí - Kỳ 13: Thầy tu đả hổ

04/11/2013 03:05 GMT+7

Không còn nhiều người ở thôn Phú Liên (xã An Phú, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) nhớ về những câu chuyện xung quanh hang Hổ, cách đó không xa.

>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 12: Vùng đất linh thiêng
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 11: Hổ trắng ba chân về nghe kinh Phật
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 10: Truyền kỳ những pho tượng Phật lồi

 Những di tích kỳ bí - Kỳ 13: Thầy tu đả hổ
Phía dưới tảng đá đen này chính là hang Hổ - Ảnh: Lê Xuân Thọ

Hồ “than thở”

Hang Hổ nằm trên hòn núi tiếp giáp dãy Trường Sơn, ở độ cao khoảng 100 m so với mực nước biển. Phía dưới, trước chân hang Hổ có một hồ nước, nay gọi là đập Lỗ n, có người cho rằng hang Hổ cũng góp nước cho hồ này. Sau năm 1975, dân đắp thành đập để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng nay đập đã hư hỏng hoàn toàn. Trước đó, hồ nước này gắn liền với vài câu chuyện tình đầy ngang trái.

Ví như chuyện có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết, thề non hẹn biển, đợi ngày nên nghĩa phu thê. Nào ngờ cô gái thay lòng, hám giàu mà lấy một phú ông góa vợ. Chàng trai quá đau khổ, lên hang Hổ ngồi khóc đến nỗi nước mắt chảy thành dòng suối rồi tạo thành hồ nước. Ngày nay vẫn còn câu ca dao: Tiếng đồn hang Hổ nhiều beo/Có vài giạ lúa nó theo ầm ầm. “Nó” là ý nói những cô gái thay lòng.

Lại có chuyện rằng, hang Hổ là nơi tình tự, hẹn hò của những đôi trai gái yêu nhau. Khi đường tình duyên trắc trở, những kẻ “thất tình” tìm đến nơi này để gom góp kỷ niệm của ngày nồng ấm. Rồi khóc than cho cuộc tình lỡ, có lẽ quá nhiều mối tình dang dở mà nước mắt thành hồ nước lớn. Cũng vì vậy hồ được ví như hồ “than thở”, và đây là một trong số ít câu ca dao nói về chuyện này: Lời thề hang Hổ ngày nào/Ai mà phụ bạc, trên cao có trời.

Xung quanh hồ nước là vùng đất tương đối bằng phẳng, lại có một phiến đá lớn. Theo anh Nguyễn Chí Quốc - người ở thôn Phú Liên, ngày nay nam nữ thanh niên vẫn thường đến đây vui chơi, dù đường đi hơi trắc trở. Trong tương lai gần, người ta sẽ ngăn đập nhằm ổn định nguồn nước tưới cho nông dân xã An Phú và các vùng lân cận.

Thuần phục hổ dữ

Hang Hổ trước kia có tên gọi là hang Chùa, nguyên nhân của cái tên là do một vị thầy tu (không rõ thời nào) đến sống ẩn dật, tu hành. Dân quanh vùng không nhớ rõ là vị thầy tu này có phép thuật gì hay không, chỉ biết ông rất giỏi trong việc thuần phục thú dữ, thân mang võ công cao nên ông dùng để “trị” hổ.

Đúng như tên gọi, trước khi thầy tu này đến, hổ sống rất nhiều ở trong và xung quanh hang. Ngày ngày, dân sống dưới chân núi luôn khiếp sợ bởi tiếng gầm hú ghê rợn của các “ông ba mươi”. Không ít người vì mải mê săn bắn thú rừng mà bỏ mạng dưới nanh vuốt của hổ dữ. Từ ấy, dân quanh vùng không ai dám bén mảng đến gần hang hổ. Mãi cho đến khi vị thầy tu xuất hiện và sống ở đó, người dân mới an tâm làm rẫy, săn thú.

Sở dĩ có chuyện này là vì theo lưu truyền, vị thầy tu đã làm cho bầy hổ trở nên thân thiện với người dân. Để nhớ ơn, khi ông qua đời, dân lập miếu thờ ông Tạ Từ ngay trong hang, nay đã không còn dấu vết. Khi vị thầy tu mất, thì hổ tái “chiếm đóng” hang, những bầy hổ bỏ đi nơi xa cũng quay trở lại. Dân trong vùng, vì muốn sống yên ổn nên tổ chức thanh niên trai tráng, những người giỏi võ để giết hổ.

Trong cuốn Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên xuất bản năm 2007 của tác giả Nguyễn Đình Chúc, có đoạn miêu tả hang Hổ như sau: “...Những cụm đá ở đây hình như được thợ tạo đã dày công sắp xếp nhỏ lớn theo dãy núi. Mỗi cụm là một cái hang ăn sâu vào lòng đất, có thể chứa 2 - 5 người. Hang lớn nhất là hang Hổ chứa được từ 30 - 40 người. Hang cao đến 5 m, đi đứng qua lại dễ dàng. Trong hang có nhiều tảng đá bằng có thể ngồi nằm thuận tiện. Phía trước có một hòn đá ba cạnh đứng thẳng, đỉnh nhọn gọi là tảng đá Giáo và giống đá thiên nhiên với đường kính 3 m. Cấu tạo hang Hổ rất đặc biệt. Mới nhìn ta tưởng thời xa xưa có ông khổng lồ bê từng tảng đá chồng lên nhau, tạo thành hang mà dừng chân. Cửa hang lại có một tảng đá nhỏ nhô lên như cái bình phong, chia thành hai lối đi tả hữu”. 

Dấu xưa phai nhòa

Trong quá trình hỏi đường lên hang Hổ, nhiều người nhìn tôi ái ngại. Dù sẵn lòng chỉ đường, nhưng họ luôn miệng khuyên: “Từ đây lên đó không xa lắm, nhưng nếu không có người dẫn đường thì khó mà tìm đến hang Hổ được”. Hỏi mới biết, chính họ cũng không hiểu vì sao dù cách khoảng 2 km và có thể nhìn lên thấy, nhưng những người nếu không thường xuyên lên xuống hang Hổ thì sẽ không tài nào tìm đến hang được.

Theo chân anh Nguyễn Chí Quốc khoảng 30 phút leo núi, chúng tôi đến được “địa phận” của hang Hổ. Tuy nhiên, cả hai không thể nào tiếp cận được hang bởi dây leo, cây rừng chằng chịt đã phong tỏa mọi đường vào. Anh Quốc bảo: “Cách đây khoảng chục năm vô hang dễ vì người ta đã chặt hết rừng bạch đàn, sau đó trồng lại rừng nên giờ mới rậm rạp thế này”.

Từ dưới đập Lỗ n, dễ dàng thấy một tảng đá màu đen, phía trước và hai bên tảng đá này bị vây bởi rừng bạch đàn. Anh Quốc cho biết dưới tảng đá ấy chính là hang Hổ. Thời kháng chiến, hang Hổ chính là nơi ẩn nấp của du kích, căn cứ giao liên giữa hai miền xuôi ngược. Địch dù biết nhưng chỉ dám đánh từ xa chứ không dám lại gần, bởi địa thế có lợi cho du kích.

Ông Nguyễn Phụng Kỳ (72 tuổi, người thôn Phú Liên), một trong số ít những du kích chống Mỹ từng sống hai năm ở hang Hổ, kể: “Hồi tôi lên ở hang Hổ thì trong hang tuy rộng nhưng phải khom người mới vào được, trong ấy rất bằng phẳng và chỉ có đất, chứa được khoảng hai tiểu đội. Phía trước hang thì đá lởm chởm, hai bên là dây rừng, bụi gai. Xung quanh hang Hổ còn có mấy hang nhỏ nữa. Những năm gần đây, chính quyền địa phương hay tổ chức các cuộc về nguồn để anh em thăm lại nơi chiến đấu xưa. Tiếc là chỉ có thể “dựng trại” ở đập Lỗ n, vì đường vào hang Hổ đã bị bít bởi cây rừng, có lẽ vì vậy không nhiều người nhớ về hang Hổ nữa”.

Lê Xuân Thọ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.