Chạy việc... Nguy hại đến cả đơn vị tuyển dụng

06/11/2013 03:25 GMT+7

Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc (ảnh), Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học, Trường ĐH Hoa Sen kiêm phụ trách dự án FACE (For a clean education - Vì một nền giáo dục sạch), đã chia sẻ cởi mở với Thanh Niên xoay quanh câu chuyện 'chạy việc'.

>> Chạy việc...
>> Bắt một kỹ sư lừa 'chạy việc làm

Ông có cho rằng tình trạng 'chạy việc' đang phổ biến trong xã hội?

Nhiều người chia sẻ với tôi là có 'chạy việc'. Đây là vấn đề gây khó cho nhiều người về mặt chứng cứ. Ai cũng biết nó tồn tại nhưng không biết nó tồn tại như thế nào, giống như tham nhũng vậy.

Trước khi về trường này dạy, tôi cũng từng có một học trò… 'chạy việc'. Cậu này học chuyên ngữ tiếng Anh, tốt nghiệp xong ra dạy ở những trung tâm ngoại ngữ. Thấy việc dạy như vậy bấp bênh nên cậu muốn tìm một công việc ổn định, có biên chế chính thức. Sau đó, cậu đã chung 100 triệu đồng để vào làm trong một cơ quan có vẻ sang trọng. Cách đây mười mấy năm mà cậu ấy đã chạy hết 100 triệu đồng. Bên cạnh việc chung chi tiền, tình trạng quen biết, đưa vào làm cũng là một hình thức “chạy việc”.

'Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ, còn lại thì mặc kệ' là câu nói đang trở nên quen thuộc với nhiều người. Ông nghĩ gì về câu truyền miệng này?

 Lao động trẻ tìm việc tại một ngày hội việc làm do Thành đoàn TP.HCM tổ chức - d
Lao động trẻ tìm việc tại một ngày hội việc làm do Thành đoàn TP.HCM tổ chức - Ảnh: Lê Thanh

Điều này phản ảnh một sự bất công về mặt xã hội hay văn hóa. Vì có trong thực tế, nên người ta mới đúc kết và nó là cái gì đó rất đau lòng! Tri thức chưa được sử dụng đúng đắn, có liên đới đến chuyện học tập trong nhà trường. Nhiều khi người ta không học thật mà học cho xong để có cái bằng. Đến lúc ra trường, chỉ cần kèm theo một số tiền hay một số mối quan hệ, người ta sẽ mua được công việc.

Theo ông, đâu là những nguyên nhân gốc rễ của thực trạng trên?

 
Nguy hại đến đơn vị tuyển dụng bởi người mua việc đã bỏ ra 100 triệu đồng hay 1 tỉ để “chạy việc”, “chạy chức” thì họ phải bằng mọi cách lấy lại số tiền đó và hơn thế nữa

Tôi cho rằng chuyện “chạy việc” có lẽ thường xuất hiện trong khu vực công hơn, bởi nó liên quan đến cái gọi là biên chế. Ở đó, khi tuyển dụng, người ta có vẻ như không cần phân biệt giữa người có năng lực và người không có năng lực. Tôi từng làm trong đơn vị nhà nước nên tôi thấy có sự thăng tiến, leo các bậc thang trong các công việc theo kiểu “sống lâu ra lão làng” rất rõ ràng. Do vậy, nhiều người quen nếp nghĩ rằng, vô làm được cơ quan nhà nước rồi, vô được biên chế rồi thì cứ thế mà làm. Họ không có tính cạnh tranh như trong những công ty có yếu tố nước ngoài.

Một khi nơi nào chấp nhận nạn mua việc, “chạy việc” thì nơi đó không có nhu cầu sử dụng năng lực thật. Thực ra, mọi sự mua chuộc là do thiếu năng lực mà ra. Cho nên, có hai vấn đề ở đây: Người sử dụng lao động không có nhu cầu phải tìm được người thật giỏi trong công việc; người đi xin việc không có năng lực. Hai yếu tố đó hợp lại với nhau ra thực trạng “chạy việc”.

Mặt khác, cũng phải đặt vấn đề: Một người nếu học hành tử tế, đàng hoàng, người ta sẽ xác định được sự cạnh tranh trong thị trường lao động. Vậy, chúng ta đào tạo cái gì mà để tạo ra một lớp người sẵn sàng đi “chạy việc”?

Tóm lại, một đất nước có nền kinh tế và văn hóa trưng dụng tốt năng lực thật thì không có nạn chạy việc phổ biến như hiện nay. Tất nhiên, không có một đất nước nào sạch 100%, nhưng vẫn có những nơi mà giá trị nổi trội của nó là năng lực thật.

Những hệ lụy từ “chạy việc” là như thế nào, thưa ông?

Bản thân người “chạy việc” có thể tiếp tục “sống được” trong môi trường hiện tại. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi nào đó, đòi hỏi họ phải có sự cạnh tranh thì người đó sẽ gặp khó khăn do không trau dồi kỹ năng, chuyên môn. Song song đó, nó gây nguy hại đến đơn vị tuyển dụng bởi người mua việc đã bỏ ra 100 triệu đồng hay 1 tỉ để “chạy việc”, “chạy chức” thì họ phải bằng mọi cách lấy lại số tiền đó và hơn thế nữa.

Theo tôi, nếu trong một tổ chức, cơ quan nào đó, tất cả đều minh bạch, công bằng và dân chủ thực sự thì nạn “chạy việc” cùng những tiêu cực khác khó có đất dung thân.

Tôi cũng từng nhờ

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành về lao động tiền lương của một trường CĐ (năm 2001), tôi định ở lại TP.HCM kiếm việc làm. Thế nhưng, ba mẹ tôi bảo nên về quê kiếm một công việc gì đó trong các cơ quan, đơn vị của nhà nước cho ổn định, đồng lương tuy ít một chút nhưng sau này còn có chế độ lương hưu. Nghe mọi người mách bảo rằng ở quê muốn làm việc gì cũng được, miễn sao phải có chung chi, nên tôi đã nhờ một "ông sếp” gửi hồ sơ xin vào làm trong ngành điện lực (dĩ nhiên, trong hồ sơ phải kèm theo cái gì đó!). Sếp bảo: “Chú cứ về đi, khi nào có “chỗ trống” anh sẽ điền chú vô ngay”. Hơn một năm chạy lên chạy xuống thăm viếng và quà cáp cho sếp, đến một hôm, tôi nhận được điện thoại của sếp báo là đã bố trí cho tôi một chỗ làm ở một huyện khác, cách nhà khoảng 30 km.

Thật khó kể xiết niềm vui của tôi và gia đình lúc đó. Thế nhưng, vào làm chưa đầy 2 tháng, tôi thấy rất lạc lõng trong ê kíp làm việc, nên đã xin nghỉ. Sau đó, tôi chuyển hướng kinh doanh và tự làm chủ cho đến nay. Giờ ngẫm lại khoảng thời gian chạy xin việc, tôi thấy quá lãng phí về thời gian và tiền bạc. Tôi xem đó như là một bài học nhớ đời, không bao giờ lặp lại nữa.

L.N.H
(H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu)

Ý kiến

Do thiếu việc làm

Theo tôi, nạn “chạy việc” tồn tại là do tâm lý người ta thích có việc làm một cách nhanh chóng và ổn định. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân quan trọng là thiếu việc làm. Đã có nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường tìm đỏ con mắt mà chẳng ai tuyển dụng.

Nguyễn Tân Hà
(Cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Triệt tiêu niềm tin

Tôi cũng nghe có trường hợp bỏ ra 150 triệu đồng để chạy làm giáo viên. Nếu quả như vậy, thì sẽ dẫn đến nhiều cái nguy hại. Trước hết, là với bản thân người “chạy”, họ đi dạy với tâm thế phải lấy lại“vốn” thì làm sao toàn tâm toàn ý dạy học cho được. Đặc biệt, tác hại lớn nhất là làm triệt tiêu niềm vui sống và niềm tin của bản thân họ và những người xung quanh, trong đó có những em học sinh.

Thạc sĩ Trần Minh Trọng
(Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp)

Lê Thanh - Như Lịch
(ghi)

Như Lịch
(thực hiện)

>> Đề nghị truy tố 'nữ quái' lừa chạy việc vào ngành công an
>> Khởi tố nhân viên điện lực lừa chạy chức, chạy việc
>> Lừa tiền chạy việc cả tỉ đồng
>> Vụ “nghi vấn đường dây chạy việc”: Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc
>> Nghi vấn đường dây chạy việc
>> Nữ quái lừa "chạy" việc rồi cao chạy xa bay
>> Sĩ quan công an lừa đảo "chạy" việc
>> Lừa chạy việc làm, chiếm đoạt gần 10 tỉ đồng
>> Lừa “chạy” việc làm để chiếm đoạt tiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.