Tiếp tục trồng cao su

05/11/2013 13:18 GMT+7

Sau một cơn bão, 22.000ha cao su ở Bắc Trung bộ bị thiệt hại nặng, trong đó diện tích không thể phục hồi là 13.804ha, nhưng lạ thay cả cơ quan quản lý, nhà chuyên môn lẫn người dân trong vùng... đều muốn tiếp tục trồng cao su.

Tiếp tục trồng cao su
Cơn bão số 10 gây thiệt hại nặng nề diện tích cao su tại H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Thiệt hại “bất khả kháng”

Như Thanh Niên đã liên tục thông tin, cơn bão số 10 và số 11 đã gây thiệt hại nặng nề đối với diện tích cao su tại khu vực Bắc Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Nhiều hộ dân trồng cao su đã thực sự tay trắng sau 2 cơn bão dữ này. Sự mất mát nhiều đến nỗi, nhiều người đã đặt sự hoài nghi về sự tồn tại của cây cao su tại khu vực.

Tại hội thảo “Phát triển cây cao su tại Bắc Trung bộ” do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức, ông Lê Minh Châu, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thừa nhận hai cơn bão vừa qua đã làm tan nát các vườn cao su, con số thiệt hại lớn nhất sau 25 năm qua. “Nhưng kể cả các nhà khoa học đầu ngành cũng khẳng định không thể nghiên cứu, tìm hiểu để cho ra đời một giống cây cao su có thể chống bão. Bởi với gió cấp 11,12 thì đó là điều không thể. Chúng ta chỉ có thể nghiên cứu, làm sau đó để hạn chế thiệt hại là cùng”, ông Châu nói. Chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chinh, Viện trưởng Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp nói rằng với bão số 10, số 11 thì không riêng gì cây cao su mà hầu hết các loại cây trồng cũng không trụ được. Ông Chinh cho rằng cây cao su ở Bắc Trung bộ có quy hoạch của chính phủ, có lịch sử, có nghiên cứu nên thiệt hại lớn thì đã rõ nhưng đó là điều... bất khả kháng.

Cần chính sách hỗ trợ người dân

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã trình bày về cái được cái mất của người dân địa phương khi “gắn bó” với cây cao su. Dù biết những điểm yếu của giống cây này nhưng ông Bài cho rằng: “Đưa cây cao su vào Quảng Trị suốt nhiều năm qua là điều hợp lòng dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Đại diện của tỉnh có diện tích cao su thiệt hại lớn nhất trong cơn bão số 10, ông Hoàng Văn Mịn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cũng có nhận định tương tự nhưng ông nhấn mạnh vấn đề: “Cần phải thực hiện việc mua bảo hiểm cho cây cao su để giảm thiểu rủi ro cho người dân”. Trong khi đó, ông Lê Minh Châu cũng đưa ra một luận điểm khá thuyết phục rằng trồng cao su hay không thì nên hỏi người dân là rõ nhất: “Vì đó là đất của họ, vốn của họ, họ muốn trồng cây nào cho giá trị thì họ rõ nhất. Phía nhà nước chỉ cần có chính sách để hỗ trợ người dân, như khoanh nợ, giãn nợ, cho vay để nông dân tái sản xuất”.

Riêng ông Phạm Hồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt thì đi đến những vấn đề cụ thể hơn: “Ở những vùng có nước, có thể trồng ngay các loại cây ngắn ngày khi chưa biết có nên trồng lại cao su hay không để có thêm thu nhập. Việc trồng hay không trồng lại phải tính toán cụ thể với từng diện tích, từng mảnh vườn. Nhưng quan điểm của chúng tôi là đối với khu vực gần biển, trống trải, không có điều kiện tự nhiên che chắn thì nên dừng ngay việc trồng cao su”. Theo ông Quảng, đối với diện tích trồng lại cũng cần phải áp dụng canh tác mới từ việc lựa chọn, bảo quản giống; xem xét mật độ cây, tán cây và đặc biệt là phải tạo vành đai chắn gió cho cây cao su. Cục Trồng trọt cho hay, sau hội thảo này sẽ tiếp tục tổng hợp tình hình phát triển cây cao su trong vùng để đề xuất Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển cây cao su ở Bắc Trung bộ.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây cao su vùng Bắc Trung bộ được quy hoạch đến năm 2015 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 80.000ha. Đến năm 2012, diện tích thực trồng đã vượt quy hoạch 469ha.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.