|
“Doanh nghiệp (DN) như cá nằm trên thớt, nhân viên thuế nói cái gì không dám cãi, nói thế nào cũng phải đúng. Lên Cục Thuế TP.HCM thấy nhẹ nhàng nhưng về các chi cục thuế ở quận lại khiến tôi sợ đến xanh mặt. Hướng dẫn không rõ ràng, lại bắt bẻ riết chúng tôi không dám làm kế toán nữa. Thậm chí khi có thông tư hướng dẫn rõ ràng, chúng tôi không vi phạm, cũng bị phạt. Tôi cự lại, nhân viên thuế ở hai chi cục thuế đã nói với tôi: Sếp của em nói kiểm tra hồ sơ nào mà không phạt là không được” - đại diện Tổng công ty Liksin ở Q.Tân Bình, TP.HCM bức xúc nói tại hội nghị.
Hoàn thuế vướng khắp nơi
Đại diện của Vinamilk phát pháo đầu tiên nêu thắc mắc DN không được hoàn thuế GTGT theo Thông tư 06 với dự án nhà máy sữa bột tại Bình Dương có tổng đầu tư trên 2.000 tỉ đồng. Đến tháng 10.2013, doanh thu tại nhà máy đã đạt trên 600 tỉ và thuế GTGT công ty nộp hơn 60 tỉ đồng. “Tính từ thời điểm công ty gửi văn bản thắc mắc là tháng 9.2012 đến 22.5.2013 mới có công văn trả lời của Cục Thuế TP và đến nay vẫn chưa giải quyết được”.
Sếp của em nói kiểm tra hồ sơ nào mà không phạt là không được |
||
Nhân viên một chi cục thuế |
||
Trường hợp của Công ty TNHH SXTM công nghiệp A.V.A.L lại liên quan đến truy thu GTGT. Theo đại diện công ty, họ bị Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra và bị truy thu thêm 5% thuế GTGT ngoài 5% đã đóng trước đó về mặt hàng thuốc diệt côn trùng trong khi các DN kinh doanh cùng loại sản phẩm không bị thanh tra nên vẫn được hưởng mức GTGT 5%. “Ở TP.HCM, ngoài A.V.A.L, thêm Công ty thuốc sát trùng VN bị thanh tra và cũng bị truy thu như vậy. Còn lại các đơn vị bạn kinh doanh cùng ngành vẫn áp dụng thuế GTGT 5%. Điều này khiến chúng tôi không bán được hàng vì phải cộng thêm 10% thuế GTGT, khách hàng chê cao, từ chối thẳng thừng. Với những hàng hóa đã bán ra trước đây, chúng tôi cũng không thể tìm khách để thu thêm 5% nộp thuế”, đại diện A.V.A.L nói.
Công ty Minh Luân chuyên nhập máy kéo đã sử dụng ở Nhật về để tân trang, sửa chữa rồi xuất sang các nước thứ 3. Theo quy định, hàng nhập không tiêu thụ tại VN không chịu thuế nhập khẩu và Cục Hải quan hướng dẫn ghi tờ khai là hàng “tạm nhập tái xuất”. Tuy nhiên, Cục Thuế lại không đồng ý cho hoàn thuế vì cho rằng, sản phẩm đã được gia công thêm nên không đúng ý nghĩa “tạm nhập tái xuất”.
Kiến nghị chạy lòng vòng cả năm
Không chỉ bức xúc chuyện thuế, đại diện Công ty A.V.A.L còn "tố" cách xử lý đơn kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền. “Công ty đã nhiều lần làm tờ trình gửi các cơ quan Bộ Tài chính, Bộ này lại chuyển cho Tổng cục Thuế. Còn công văn gửi cho Cục Thuế TP thì Cục cũng chuyển lên cho Tổng cục Thuế luôn. Cuối cùng, Tổng cục Thuế lại trình ngược trở lại cho Bộ. Chúng tôi tiếp tục trình ngược đến Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng lại chuyển đơn về cho Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan chuyển lại cho Thanh tra Bộ Tài chính. Trong 1 năm vừa qua, thư khiếu nại của công ty đi lòng vòng đến các cấp từ T.Ư đến địa phương mà không được cơ quan nào giải quyết, trong khi DN càng gặp khó khăn. Bởi nếu để việc bán hàng chênh lệch mức GTGT kéo dài, truy thu càng tăng sau này”, vị đại diện này bức xúc.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận do chính sách chưa rõ. “Theo quy định của Bộ NN-PTNT, thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật, sản phẩm liên quan đến nông nghiệp chịu thuế 5%, nhưng liên quan đến côn trùng, gián muỗi (nghe có vẻ sản phẩm liên quan đến thành thị nhiều hơn - NV) là 10%. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này để chỉnh sửa chính sách. Quan điểm của tôi là phải linh hoạt một chút, chứ cứ theo quy định thuốc gì giết con gián là áp thuế 10%, thuốc giết con sâu làm hại lúa áp thuế 5% thì cứng nhắc quá” - ông Tuấn nói và nhấn mạnh: “Vấn đề này phải chỉnh sửa sớm và giải quyết thống nhất cho các DN, không thiên vị và làm không đồng bộ”.
Với trường hợp của Vinamilk, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Cục Thuế TP.HCM kết hợp với Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn và làm ngay cho DN trong tháng 11 này. Tương tự trường hợp Công ty Minh Luân, ông Tuấn khẳng định phải được hoàn thuế bởi "loại hình nhập gia công tái xuất là được khuyến khích nên không có gì phải lăn tăn”.
Bị phạt vì gạch một nét Theo đại diện Công ty DKSH Việt Nam, quy định là bắt buộc gạch chéo trong hóa đơn, nhưng khi người bán gấp gáp (ngành xăng dầu) chỉ gạch một nét, DN mang về nộp thuế lại bị phạt hoặc yêu cầu điều chỉnh rất nhiêu khê. "Tôi nghĩ cái gạch chéo đó đâu có quan trọng lắm mà để DN căng thẳng đến như vậy? Nếu quan trọng thì phải công bằng. Nếu người bán gạch không đúng, phải phạt người bán, đằng này bắt người mua è cổ ra mà chịu” - vị này bức xúc. |
Nguyên Nga
Bình luận (0)