Hàng nhập khẩu kẹt thủ tục tại cảng

07/11/2013 09:00 GMT+7

Quy định hàng hóa nhập khẩu phải được kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1.11.2013 đã khiến rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và cả cơ quan làm thủ tục thông quan lúng túng.

Quy định hàng hóa nhập khẩu phải được kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1.11.2013 đã khiến rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và cả cơ quan làm thủ tục thông quan lúng túng.

Hàng nhập khẩu kẹt thủ tục tại cảng
Các doanh nghiệp nhập khẩu đang rất lo lắng vì quy định mới (ảnh chụp tại cảng Cát Lái) - Ảnh: Diệp Đức Minh

Một cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan cảng Cát Lái, TP.HCM) xác nhận, trước ngày 1.11, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, kiểm dịch động vật, thực vật, y tế, kiểm tra an toàn thực phẩm (gọi tắt là kiểm tra chuyên ngành) được phép mang hàng hóa từ cảng về kho của mình, chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản, chờ có kết quả kiểm định của cơ quan chuyên ngành sẽ được hải quan cho thông quan, bán ra thị trường.

 

Trả tiền lưu kho bãi là một chuyện, nhưng với những mặt hàng cần thông quan nhanh kẻo hỏng hết thì cơ quan kiểm tra, hải quan cần giải quyết nhanh, linh hoạt hơn

Ông Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ruột heo

Tuy nhiên từ ngày 1.11, điều 27, Thông tư 128 quy định các DN buộc phải có giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên ngành, sau đó mới được thông quan chuyển hàng ra khỏi cảng. Nếu việc kiểm tra chuyên ngành không thể thực hiện tại cửa khẩu, phải đưa về công trình, nhà máy, kho của DN hoặc cơ sở kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải có văn bản đề nghị hải quan cho phép và chịu trách nhiệm giám sát, quản lý hàng hóa cho đến khi được hải quan xác nhận thông quan.

Nằm cảng 41 ngày

Trên thực tế, đại diện Công ty TNHH G.B (TP.HCM) cho biết cách đây hơn 2 tháng, DN này nhập khẩu lô hàng đồ chơi trẻ em về và phải mất đến 41 ngày mới có kết quả kiểm tra chất lượng lô hàng, lúc đó mới được thông quan. Dự kiến cuối tuần này công ty sẽ tiếp tục nhập về một lô hàng đồ chơi trẻ em nữa. “Với thời gian kiểm định lâu như vậy, áp theo quy định mới này thì lô hàng có thể sẽ phải nằm chờ hơn một tháng tại cảng, phát sinh nhiều chi phí lớn cho việc lưu bãi, lưu container…”, vị này nói.

Đại diện Công ty TNHH Chim Én cũng cho biết từ đầu tháng 11 đã nhập về cảng Cát Lái và cảng ICD (Q.Thủ Đức) 5 container hàng hóa là thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật. Thực hiện theo Thông tư 128, DN đã đăng ký với 2 cơ quan chuyên ngành về kiểm định là Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y T.Ư 2 và Cơ quan Thú y Vùng 6 để kiểm định chất lượng hàng hóa. Công ty đã đề nghị và được hai cơ quan kiểm tra chuyên ngành này xác nhận gửi hải quan đề nghị cho DN mang hàng về kho trước, nhưng tới giờ vẫn chưa được hải quan giải quyết. “Hàng trăm container hàng hóa khác của chúng tôi sắp lần lượt về các cảng, nếu không sớm tháo gỡ, khó khăn cho DN là rất lớn”, ông Trung, đại diện Công ty Chim Én bức xúc.

Những DN nhập khẩu hàng động vật tươi sống cũng cực kỳ lo lắng, vì nếu phải để hàng hóa ngoài cảng chờ kiểm tra chuyên ngành, bên cạnh việc phát sinh chi phí lớn thì hàng hóa cũng rất dễ bị hư hỏng.

“Trễ nhất không nên quá 48 tiếng”

 

Khó xử lý gần 3.000 container tồn ở Hải Phòng

Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, tại các kho bãi trong khu vực hiện có khoảng gần 3.000 container đang tồn đọng và khó xử lý, từ trước ngày 1.1.2013. Đây là những container chứa các loại hàng hóa có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, gồm lốp ô tô cũ, nhựa, giấy, sắt thép phế liệu, linh kiện điện tử cũ, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Trong số này, có gần 200 container của các công ty thuộc Vinashin và Vinalines. Hải quan Hải Phòng đã kiểm tra gần 400 container quá hạn và làm thủ tục xử lý.

Việc xử lý số container này gặp khó khăn vì đây chủ yếu là hàng tạm nhập, tái xuất và không xác định được đơn vị gửi hàng cũng như nhận hàng để lập biên bản vi phạm. Vì thế, để có thể tiêu hủy hoặc thanh lý sung công quỹ, quá trình lập hồ sơ, trưng cầu giám định sẽ rất tốn kém và mất thời gian...

Hiện Cục Hải quan Hải Phòng đã thành lập một tổ công tác đặc biệt để phối hợp, tham mưu với cơ quan chức năng thống kê, phân loại các loại hàng hóa trong container. Tùy theo các loại hàng hóa, sẽ tiêu hủy, buộc tái xuất hoặc thanh lý sung công quỹ.

Thiên Bình

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 nhìn nhận, hiện chưa có thống kê cụ thể số lượng hàng hóa tồn tại cảng Cát Lái chờ kiểm tra chuyên ngành, nhưng chắc chắn là rất nhiều.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 6.11, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết một bất cập khác của quy định mới được nhiều DN phản ảnh là có một số mặt hàng có tính chất đặc thù, không thể mang mẫu ra khỏi cửa khẩu để đi kiểm định chất lượng. Trước tình hình này, ngày 5.11, Cục Hải quan TP.HCM đã kiến nghị Tổng cục Hải quan có hướng tháo gỡ, Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận.

Tại hội nghị Bộ Tài chính đối thoại với DN phía nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã đề nghị hải quan cần phối hợp với cơ quan kiểm tra chuyên ngành để kiểm định lập tức giúp DN sớm thông quan, trễ nhất không nên quá 48 tiếng. “Hải quan nên kê cái bàn để đại diện cơ quan kiểm tra chuyên ngành ngồi ở đó luôn, sớm giải quyết cho DN”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc một DN chuyên nhập khẩu ruột heo đã qua sơ chế để sản xuất xúc xích (ruột heo dùng làm vỏ cho các cây xúc xích) ủng hộ ý kiến này. Ông cho biết: “Chúng tôi cũng nghĩ phải có đơn vị kiểm tra chuyên ngành nằm ngay tại trong cơ quan hải quan, có như vậy, DN mới thông quan nhanh được”. Công ty ông Định vừa qua nhập 5 tấn ruột heo qua sơ chế. Hàng đã về một cảng ở miền Đông Nam bộ, DN đã làm thủ tục kiểm định nhưng mất 3 ngày rồi vẫn chưa biết bao giờ có kết quả kiểm định của cơ quan chuyên ngành. “Trả tiền lưu kho bãi là một chuyện, nhưng với những mặt hàng cần thông quan nhanh kẻo hỏng hết thì cơ quan kiểm tra, hải quan cần giải quyết nhanh, linh hoạt hơn”, ông Định nói.

Đại diện một DN chuyên sản xuất giày da xuất khẩu cho biết trước đây công ty nhập hóa chất để sản xuất rất nhiều và nhập thường xuyên một số hóa chất nhất định đã được kiểm định cho phép từ hơn chục năm nay. Thông thường, hàng đi đường tàu thủy mất 4-5 ngày, đường hàng không chỉ có một ngày. Hiện công ty đang cần nguyên liệu rất lớn để sản xuất cho các đơn hàng gấp cuối năm. Trong khi thời gian chờ được cơ quan chuyên ngành kiểm định phải mất từ 1 tuần đến 10 ngày. Lỡ hàng về vào các ngày thứ sáu, thứ bảy là DN “thấy đuối liền”.

Gây khó “DN đàng hoàng”

Phó giám đốc một DN logistics nước ngoài có văn phòng tại TP.HCM cho rằng thực tế lâu nay có một số DN nhập khẩu hàng về mặc dù chưa có chứng nhận chất lượng của cơ quan chuyên ngành vẫn lén lút bán ra thị trường. Vì vậy việc Bộ Tài chính thay đổi quy định bằng cách bắt buộc phải có giấy bảo lãnh, chứng nhận chất lượng của cơ quan chuyên ngành hoặc được cơ quan kiểm tra chuyên ngành bảo đảm, xin cho DN đưa hàng về mới cho chuyển hàng ra khỏi cảng là có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các DN làm ăn đàng hoàng. Hơn nữa, việc DN xin cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận gửi hải quan xin đưa hàng về, chờ thông quan sau cũng không dễ, chưa kể không biết hải quan có chấp nhận hay không, thời gian giải quyết đơn xin kéo dài bao lâu…   

Đình Mười  - Nguyên Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.