|
>> Vệ tinh khoa học châu Âu rơi trở lại trái đất
Theo UPI ngày 7.11, vệ tinh nghiên cứu trường hấp dẫn GOCE của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã trải qua bốn năm trên quỹ đạo để lập bản đồ phân bố trọng lực trái đất.
Tuy nhiên đến ngày 21.10 vừa qua, vệ tinh đã hết nhiên liệu hoạt động và bắt đầu rơi dần xuống hơn 3 km mỗi ngày. Tính đến ngày 6.11, vệ tinh chỉ còn cách mặt đất khoảng 180 km và quay quanh Trái đất mỗi vòng mất 88 phút.
Dự kiến có khoảng 25 đến 45 mảnh vỡ còn lại có thể đâm xuống mặt đất, sau khi hầu hết bộ phận của vệ tinh 1,2 tấn này sẽ bị đốt cháy khi xuyên qua bầu khí quyển. Mảnh lớn nhất có thể lên đến hơn 90 kg.
Theo UPI dẫn lời người đứng đầu sứ mệnh GOCE Rune Floberghagen thì nhiều khả năng mảnh vỡ vệ tinh rơi xuống trái đất vào sáng sớm 11.11, và việc dự đoán nơi chúng đáp xuống chỉ có thể thực hiện trước đó một ngày.
Trước đó, Reuters dẫn thông báo của ESA cho biết là với hai phần ba địa cầu được bao phủ bởi nước và hầu hết các khu vực trên trái đất có dân cư thưa thớt thì khả năng mảnh vỡ gây nguy hiểm đối với tài sản và tính mạng người dân là cực kỳ thấp.
Được biết, trong tháng 9.2011, một vệ tinh nghiên cứu thượng tầng khí quyển nặng 6,5 tấn của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã rơi trở lại Trái đất. Một tháng sau đó đến kính viễn vọng tia X ROSAT của Đức cũng 'kết liễu' sứ mệnh của mình trong bầu khí quyển.
Vào tháng 1.2012, tàu thăm dò mặt trăng của sao Hỏa Phobos-Grunt nặng gần 14 tấn của Nga cũng đã rơi trở lại bầu khí quyển sau khi thất bại trong việc bay tới hành tinh đỏ.
NASA cho biết trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày có một mảnh vỡ của vệ tinh, tên lửa... từ quỹ đạo rơi trở về Trái đất, và không có thương tích nghiêm trọng hay thiệt hại tài sản nào được ghi nhận.
Riêng trong năm nay, ước tính có khoảng 100 tấn mảnh vỡ từ không gian rơi trở lại Trái đất, theo UPI.
Tiến Dũng
>> Vệ tinh GOCE sắp rơi xuống Trái đất
>> Vệ tinh Goce lướt gần Trái đất
>> Vệ tinh "hoa hậu" vào quỹ đạo
>> Ấn Độ sắp phóng tàu thăm dò sao Hỏa
>> NASA phóng tàu thăm dò mặt trăng
>> Nga sẽ phóng tàu thu mẫu vật từ mặt trăng sao Hỏa
Bình luận (0)