(TNO) Theo bản tin phát lúc 5 giờ 30 ngày 9.11 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 4 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão số 14 (siêu bão Hải Yến) ở vào khoảng 12,5 độ vĩ bắc; 117,3 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 360km về phía đông đông bắc.
|
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km/giờ), giật trên cấp 17.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km.
Đến 4 giờ ngày 10.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km.
Đến 4 giờ ngày 11.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 104,9 độ kinh đông, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Trung bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Theo bản tin dự báo do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư phát lúc 9 giờ 30, đến 7 giờ cùng ngày, sau khi đi vào vùng biển phía đông đông bắc quần đảo Trường Sa, bão số 14 đã suy yếu đi một ít.
Cụ thể, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ vĩ bắc; 116,7 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức từ 150 đến 163 km/giờ), giật trên cấp 17.
Từ chiều tối nay (9.11) ở khu vực Trung Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung bộ và Bắc bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to.
Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường cao từ 4 - 6m. Sóng biển 5- 8m, vùng gần tâm bão trên 10m.
* Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên Online, sáng 9.11, thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên đảo Song Tử Tây(huyện Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết, tại đây đã có gió cấp 9-10; giật cấp 11, cấp 12 và đang tiếp tục mạnh lên.
|
Đảo Song Tử Tây đã có phương án sử dụng các công trình kiên cố, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho quân và dân trên đảo trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Theo thượng tá Nguyễn Trọng Bình, ngày 8.11, có 64 tàu cá của nhiều địa phương đã vào âu tàu đảo Song Tử Tây tránh bão. Đến 19 giờ ngày 8.11, 736 ngư dân trên các tàu cá này đã được đưa lên đảo, bố trí nơi ăn nghỉ an toàn.
Hiện, vùng biển gần đảo Song Tử Tây không còn tàu cá nào hoạt động trên biển.
Nguyễn Chung - P.V
>> Siêu bão Hải Yến sẽ đi dọc theo các tỉnh Trung bộ
>> Bình Thuận họp khẩn cấp phòng chống bão Hải Yến
>> Hà Nội sẽ mưa lớn, úng ngập đường phố trong siêu bão Hải Yến
>> Siêu bão Hải Yến giật trên cấp 17, di chuyển nhanh
>> Hơn 200 tàu cá chạy về Lý Sơn tránh bão Hải Yến
Bình luận (0)