Rồng đá biến mất khỏi di tích

13/11/2013 03:05 GMT+7

Hồ sơ di tích không kỹ lưỡng đến từng chi tiết sẽ khiến việc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản gặp khó.

Hồ sơ di tích không kỹ lưỡng đến từng chi tiết sẽ khiến việc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản gặp khó. 

Rồng đá biến mất khỏi di tích 1
Theo phản ánh của người dân, rồng đá lâu năm ở chùa Chân Long đã bị thay bằng rồng mới - Ảnh: từ FB Chàng Sơn

Trong vụ việc mới xảy ra ở chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội), báo cáo của xã chưa hề phản ảnh việc mất 4 con rồng đá. Tuy nhiên, hiện trường cho thấy 4 rồng đá này đã không còn, thay vào đó là 4 rồng khác sơn xanh đỏ. Mặc dù vậy, cán bộ văn hóa xã cho biết mới chỉ nghe nói chứ chưa nắm rõ việc này. Bản thân hồ sơ cũng không vẽ cụ thể các rồng đá đó. Hồ sơ này được lập trước khoảng năm 1991, trước khi luật Di sản ra đời 10 năm. Lúc bấy giờ, chưa có quy định chặt chẽ như Thông tư 09 về nội dung khoa học của hồ sơ di tích. 

Cần “chi tiết đến từng centimet”

Có mặt tại chùa Trăm Gian, Hà Nội để thanh tra việc xâm hại di tích này, ông Trần Thành, một cán bộ của Cục Di sản, đã phải điểm ngay những yếu tố gốc của di sản. Những con thú đá trên đường lên chùa vẫn còn. Trong chùa, bàn thờ đá từ thời Mạc vẫn đó. Rừng thông vẫn còn đó, để ngôi chùa tựa vào. Rừng thông được xem như một phần không thể thiếu của tổng thể chùa Trăm Gian nhưng gác khánh đã bị xâm hại. “Tôi phải kiểm tra ngay những yếu tố gốc của ngôi chùa. Hồ sơ có ghi rõ những yếu tố đó”, ông Trần Thành nói.

Rồng đá biến mất khỏi di tích 2 
Pho tượng cổ 300 năm Vua cha Ngọc Hoàng ở chùa Chàng Sơn đã biến mất - Ảnh: T.L

 

Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL quy định cụ thể những nội dung cần có của hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích. Chẳng hạn, việc khảo tả được yêu cầu giới thiệu khái quát về phạm vi, quy mô, bố cục mặt bằng tổng thể, cảnh quan môi trường của di tích. Khảo tả cũng phải đánh giá hiện trạng, nêu rõ mức độ hư hại, xuống cấp, vi phạm di tích (nếu có).

Cũng theo thông tư này, di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử đều phải được mô tả chi tiết công trình xây dựng, các di vật. Di tích kiến trúc nghệ thuật còn cần miêu tả chi tiết kỹ thuật xây dựng, kết cấu kiến trúc, vật liệu xây dựng, đề tài họa tiết...

Thông tư cũng yêu cầu lập sơ đồ vị trí các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại thời điểm lập hồ sơ di tích.

Dù đã được lập hồ sơ di tích, song không phải hồ sơ về ngôi chùa này đã thực sự “chi tiết đến từng centimet”. Chính vì vậy, trong trường hợp có biến cố xảy ra, nếu chỉ căn cứ hồ sơ sẽ khó phục dựng lại phần bị xâm hại. Nếu so với tư liệu về chùa Trăm Gian do người Pháp lập trước đây thì hồ sơ di tích tại Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL đơn giản hơn nhiều. Bộ hồ sơ của người Pháp vẽ rất chi tiết, chi tiết đến từng mảng chạm, hoa văn. Họ cũng có ảnh chụp đi kèm. Sau này, trong quá trình phục dựng lại gác khánh, Viện Bảo tồn di tích đã dựa vào tư liệu của người Pháp để thực hiện.

Theo GS Trần Lâm Biền, những năm gần đây hồ sơ di tích làm tốt hơn về hình dung. Chưa kể, ý thức về các chi tiết, việc luật hóa cũng khiến việc làm hồ sơ di tích gần đây cụ thể hơn. “Việc hồ sơ di tích không chi tiết, cụ thể là điều rất đáng lo ngại”, một chuyên gia nói. Theo chuyên gia này, lo ngại nhất là địa phương sẽ khó có căn cứ để quản lý tốt di tích của mình. Nó cũng dễ dẫn đến những tranh cãi không cần thiết. Và khi sự cố xảy ra sẽ khó có cơ sở để xác định trách nhiệm, cũng như tái hiện di sản.

Cây nào thuộc di tích ?

Gần đây công luận xôn xao vì việc một làng ở Thuận Thành (Bắc Ninh) rao bán cây sưa cổ thụ 200 tuổi. Là cây cổ thụ trong một di tích quốc gia, tranh cãi đã xảy ra. Liệu có quyền bán cây đó hay di dời nó ra khỏi di tích hay không? Vào thời điểm đó, một chuyên gia di sản cho biết thường trong hồ sơ di tích rất ít khi nói tới những cây cổ thụ như thế. Trong khi đó, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa, cho rằng cây đó cũng chính là một di sản. Cũng theo ông Tiêu, cây cổ thụ là di sản gắn với các công trình tín ngưỡng. Do đó, nếu nó nằm cùng không gian di tích thì phải giữ.

Mới đây nhất, vụ việc ở chùa Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội cũng gióng lên hồi chuông về hồ sơ di tích. Tại đây có nhiều bức tượng cổ. Hồ sơ di tích cũng nêu tên tuổi một số tượng cổ tại di tích này. Tuy nhiên, hình ảnh tái hiện của hồ sơ lại không dày dặn. Vì thế, khi tượng cổ Vua cha Ngọc Hoàng không còn nữa, nhà quản lý đang vô cùng lúng túng. Hiện những hình ảnh cung cấp về bức tượng này không chắc đủ để phục dựng lại một pho tượng khác tương tự. Chưa kể, hệ thống vài chục tượng Phật lâu năm tuy có sơ đồ, song thiếu có hình ảnh cụ thể trong hồ sơ. “Hồ sơ không nói kỹ từng pho tượng cổ”, một chuyên gia tôn giáo nói. “Nhân dịp này Cục Di sản, các ban quản lý di tích danh thắng, các phòng di sản của các sở nên xem lại toàn bộ hồ sơ di tích về các chùa. Cần bổ sung thêm thông tin cho những hồ sơ cũ để được cụ thể hơn. Để khi có chuyện như ở Chàng Sơn thì có đủ căn cứ để chứng tỏ anh đã làm sai luật Di sản”.

Trinh Nguyễn

>> “Sự thật” về chùa Trăm Gian
>> Phát hiện đầu rồng đá ở di tích Thành nhà Hồ
>> Triển lãm cuộc thi ảnh di sản Việt Nam 2013 tại TP.HCM

>> Triển lãm ảnh ‘Di sản xuyên Việt’ tại Nha Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.