“Quản trị nhân sự vượt khủng hoảng” là chủ đề của Ngày hội nhân sự Việt Nam 2013 diễn ra vào ngày 10.11 tại TP.HCM.
|
Trong vài năm trở lại đây, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong việc trụ vững và phát triển. Bà Lê Thị Thúy Loan (Tổng giám đốc Công ty nhân sự Loan Lê) nhận định: “Khủng hoảng như một đám cháy lan nhanh, do đó nhà lãnh đạo cần phải tìm ra giải pháp dập tắt một cách nhanh chóng”. Ông Đỗ Thanh Năm (Giám đốc Công ty tư vấn WinWin) cho rằng khủng hoảng chỉ có thể được ngăn chặn và loại bỏ khi doanh nghiệp xác định đúng những nguyên nhân cốt lõi và tập trung giải quyết chúng.
Đáng lưu ý là tại không ít DN hiện nay, con người là một trở lực trong quá trình vượt khủng hoảng. Tình trạng lực lượng lao động thiếu gắn kết, giảm nhiệt tình và chống đối sự thay đổi đã gây không ít trở ngại cho người lãnh đạo trong quá trình tái cấu trúc DN. Theo ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Software), có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, người lao động không hài lòng với thu nhập của mình, nghĩa là các biện pháp đãi ngộ nhân sự ngắn hạn của DN chưa thỏa mãn. Thứ hai, người lao động cảm thấy không có cơ hội phát triển nghề nghiệp, đồng nghĩa với chính sách đãi ngộ dài hạn của DN thiếu hấp dẫn. Thứ ba, người lao động không hài lòng với lãnh đạo trực tiếp của mình, nghĩa là môi trường là việc không thuận lợi.
|
Dùng người tốt hơn dùng người giỏi
Ông Trần Minh Trọng (Giám đốc Công ty HRLeadman) cho rằng để tối ưu hóa hiệu quả của bộ máy nhân sự, trước tiên DN cần chủ động sàng lọc nhân lực. Một trong những tiêu chí sàng lọc, theo ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch Hoa Sen Group), là ưu tiên chọn dùng người tốt hơn là dùng người giỏi. Khảo sát của L&A và VCCI vào tháng 10.2013 cho thấy, người tốt hay nhân tài chính là những người có năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm phù hợp, và quan trọng là có nhiệt tình cống hiến cho DN.
Ông Ngô Đình Đức (Tổng giám đốc L&A) đúc kết ba vấn đề mà quản lý nhân sự thời khủng hoảng đang gặp phải: Thứ nhất, 90% DN hiện nay chỉ chú trọng vào lương khi đáp trả công sức của người lao động. Thứ hai, hầu hết chính sách thưởng của DN chưa tạo được động lực cho nhân viên. Thứ ba, thiếu sự gắn kết giữa chiến lược nhân sự với chiến lược chung của DN. Như vậy, trong ngắn hạn, DN cần đưa ra các hình thức đãi ngộ mang tính đáp ứng ngay và nhanh những nhu cầu căn bản trong cuộc sống của người lao động. Về dài hạn, cần có những chính sách cụ thể, hấp dẫn, đảm bảo tương lai ổn định và cơ hội phát triển cho người lao động. Mặt khác, việc xây dựng và triển khai chiến lược nhân sự phải đồng hành với chiến lược của toàn DN. Ông Dung Tấn Trung (Tổng giám đốc Công ty Mobivi) cũng lưu ý việc đãi ngộ hợp lý cho những nhân sự chủ chốt của DN là rất quan trọng. Khi tiền lương không thể đền đáp hết công sức mà họ đã cống hiến thì những giá trị tinh thần mà họ nhận được từ DN sẽ đóng vai trò quyết định. Tương tự, bà Lâm Phương Nga (Công ty Bảo Việt Nhân Thọ) nhấn mạnh: “Phía sau thành công của DN là sự an tâm cống hiến của các thành viên”.
Vì thế trọng đãi nhân sự vẫn là một trong những việc nên làm của DN trong quá trình vượt khủng hoảng hướng tới tương lai tốt đẹp.
ThS. Huỳnh Thị Minh Châu
(Đại học Bách khoa TP.HCM)
>> Hiện đại hóa quản trị nhân sự
>> Cuộc thi kiến thức nhân sự dành cho sinh viên
>> TP.HCM chuẩn bị nhân sự cho chính quyền đô thị
Bình luận (0)