Sự chết chóc mà thiên nhiên gieo xuống Tacloban cũng như nhiều nơi khác tại miền Trung Philippines đã kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy sinh.
|
Sau bão Haiyan, truyền hình và các trang báo mạng quốc tế đưa cảnh đám đông, đặc biệt là tại trung tâm thảm họa Tacloban, tấn công các cửa hàng để hôi của. Tình trạng này xảy ra tức thời sau khi bão vừa tan, lúc người dân còn đói khát và điên loạn trong khi các lực lượng bảo an như cảnh sát và quân đội chưa được tăng cường.
Khi cửa hàng súng bị cướp
Trao đổi với Thanh Niên, đại úy Ian Campaso thuộc Sư đoàn 8 lục quân nói: “Trong cơn cùng quẫn, người ta dễ phát sinh nổi loạn. Lúc quân đội chưa triển khai và lệnh giới nghiêm chưa ban hành, tình hình rất tệ”. Viên sĩ quan này cũng cho biết trong số các cửa hiệu bị tấn công, có bốn tiệm bán súng. “Không thể biết được ở bên ngoài kia những ai thủ súng trong người”, anh khuyến cáo. “Cho nên, anh đừng đi đâu một mình”. Sau giai đoạn hỗn loạn ban đầu, Campaso cho biết tình hình bây giờ đã lắng xuống, khi công an và quân đội có mặt khắp nơi và hàng cứu trợ cũng được phân phát tới nhiều người hơn.
Tôi cũng nhận được lời khuyên tương tự, khi vào buổi sáng 12.11 vừa nhảy xuống xe đò là tay kéo vali, cổ đeo máy ảnh đi lang thang khắp Tacloban, giữa những con phố đổ nát nặng mùi xác phân hủy. Cả ba viên cảnh sát mà tôi hỏi đường đến tòa thị chính đều khuyên tôi như vậy. Thành phố đang giới nghiêm. Tình trạng khẩn cấp được ban bố toàn vùng. Những người đói mất kiểm soát. Đó là tất cả những gì tôi nhận được từ những con người đầy nhiệt tình giữa chốn điêu tàn này, từ bà chủ nhà Editha Daang tốt bụng ở Tunga, đến chàng sĩ quan lục quân Campaso, và những viên cảnh sát, thanh niên tình nguyện.
Mối nguy an ninh đến từ những con người quá khích, phá phách là có thật. Trong khi đi cùng đoàn xe của quân đội qua khắp các ngõ ngách của Tacloban vào hôm qua, tôi đã chứng kiến một vài đám đông đập phá trụ xăng để mót nhiên liệu. Những người lính Philippines cũng chỉ cho tôi thấy những cánh cửa ở các quầy hàng bị đập phá vốn là dấu vết của những ngày hỗn mang.
Trong các đợt phát hàng cứu trợ, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà đơn vị của Campaso đảm trách đó là bảo đảm cho việc phân phát diễn ra trong trật tự. Đại úy Campaso luôn bố trí các binh sĩ dưới quyền đứng xen kẽ trong các dòng người và đứng chắn bốn phía. Hoạt động tác nghiệp của các phóng viên cũng luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của binh lính, để đảm bảo rằng không có nhà báo nào bị tấn công. Chính nhờ sự tăng cường bảo an này mà Tacloban trong ngày hôm qua không còn nhiều cảnh hỗn loạn như trước.
Một thành phố nặng mùi và ẩm ướt
Sau khi bão tan, Tacloban đã hứng chịu nhiều cơn mưa nặng hạt làm cho nhiều đường phố sũng nước. Nước mưa, cùng với mùi xác phân hủy luôn đậm đặc trong không khí Tacloban làm dấy lên nỗi lo về ô nhiễm cũng như dịch bệnh. Bác sĩ Merin Obgyn ở bệnh viện bày tỏ lo ngại: “Những người chết đã chết rồi, còn những người đang sống hiện đối mặt nhiều nguy cơ: đói rét, hoảng loạn và đặc biệt là dịch bệnh. Khi bị đói rét và tinh thần suy sụp, khả năng đề kháng của con người giảm sút, đó là cơ hội cho dịch bệnh. Trong điều kiện cả thành phố thiếu nước sạch và ô nhiễm trầm trọng do chất hữu cơ phân hủy này, thì nguy cơ dịch bệnh càng tăng cao”.
Lời của bà Merin Obgyn gần như bao quát toàn bộ sự khốn khó của người dân Tacloban. Không thức ăn. Thiếu nước sạch. Suy sụp tinh thần vì những mất mát quá lớn. Thành phố như một bãi chiến trường, không biết bao giờ mới có thể dọn sạch, khôi phục lại một phần cuộc sống bình thường.
Trong những ngày qua, bên cạnh nỗi đau mất mát thì cả tỉnh Leyte, từ thành phố Ormoc ở miền tây đến Tacloban ở miền đông, như tách biệt khỏi thế giới và trở về với thời kỳ trước khi phát minh ra điện và viễn thông. Thậm chí cả giao thông cũng tê liệt do đường sá bị cây cối, nhà cửa đổ che kín và đặc biệt là không còn xăng, ngoại trừ các kho xăng dầu phục vụ cho hoạt động khắc phục hậu quả bão Haiyan của chính phủ.
“Đây giống như địa ngục vậy. Ban ngày còn đỡ. Ban đêm bóng tối bao trùm. Chỉ một vài nhà có nến. Còn lại là bóng tối, mưa lạnh và mùi tử thi bao trùm”, ông Cabay Villones, một cư dân Tacloban lánh nạn tại Trung tâm điều phối cứu trợ đặt ngay tòa thị chính thành phố, than thở trước khi ngả lưng trên nền nhà ẩm thấp.
Vẫn chưa biết chính xác số người thiệt mạng Cho đến nay vẫn chưa thể xác định con số chính xác về số người thiệt mạng do bão Haiyan ở Philippines. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 13.11 tuyên bố giới chức địa phương do “quá đau thương và mất bình tĩnh” nên đã báo cáo sai. Ông khẳng định số người chết ở trong khoảng 2.000 - 2.500 người chứ không phải 10.000 người như thông tin trước đó. Tổng thống Aquino III nói chính phủ vẫn đang cố gắng liên lạc với 29 địa phương bị ảnh hưởng của bão Haiyan để xác định số thương vong, đặc biệt là những người mất tích. T.Q |
Thế giới khẩn trương cứu trợ LHQ hôm qua đã kêu gọi đóng góp 301 triệu USD để hỗ trợ Philippines sau bão và cơ quan này đã giải ngân khẩn cấp 25 triệu USD. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhóm y tế từ Bỉ, Nhật, Israel và Na Uy đã đến Philippines để lập bệnh viện dã chiến. Khoảng 250 lính Mỹ đang tham gia công tác cứu hộ ở Philippines còn đội tác chiến tàu sân bay USS George Washington chở khoảng 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay sẽ đến Philippines trong tuần này. Tàu khu trục HMS Daring của Anh cũng đang trên đường đến Philippines, còn Nhật tuyên bố sẵn sàng gửi 1.000 binh sĩ đến Tacloban nếu được yêu cầu sau khi đã đề nghị hỗ trợ 10 triệu USD trước đó, theo AFP. Trong khi đó, sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ hỗ trợ 100.000 USD và Hội Chữ thập đỏ nước này cũng sẽ hỗ trợ một khoản tương tự, tờ Hoàn Cầu thời báo trong bài xã luận ngày 12.11 đã khuyến cáo Trung Quốc không nên để vấn đề tranh chấp lãnh thổ ảnh hưởng việc viện trợ cho Philippines. “Là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc nên tham gia vào các chiến dịch cứu trợ nhằm giúp đỡ quốc gia láng giềng bị thiên tai, bất kể quan hệ có đang thân thiện hay không. Nếu lạnh nhạt với Philippines, Trung Quốc sẽ gánh chịu những tổn thất lớn về uy tín”, Hoàn Cầu thời báo viết. Trùng Quang |
Bạn đọc Thanh Niên hướng về Philippines Hôm qua 13.11, nhiều bạn đọc trong cả nước tiếp tục gọi điện, gửi email chia sẻ hoặc trực tiếp đến Báo Thanh Niên ủng hộ tiền giúp đỡ các nạn nhân ở Philippines. Ngay từ sáng sớm, chị Trần Thị Thanh Thủy (Q.7, TP.HCM) đã có mặt tại tòa soạn đóng góp 1.000 USD (ảnh) và cho biết, đây là số tiền chị dành dụm trong nhiều năm nhưng nay thấy nước bạn đang gặp thiên tai tàn khốc nên chị nhờ Báo Thanh Niên chuyển sớm đến người dân Tacloban. Cụ Trần Thị Khang năm nay 70 tuổi, nhà ở Q.Bình Thạnh, cũng nhờ cháu mang đến gửi tặng 500.000 đồng; anh Ngọc (Q.5) sau khi trao 200.000 đồng cho miền Trung, còn vét nốt 200.000 đồng còn lại giúp người dân Philippines rồi đi làm; chị Khương Thị Thu Hương (Q.Tân Bình) ủng hộ 3 triệu đồng…
Có người không cho biết tên, chỉ cần ghi một bạn đọc gửi 1 triệu đồng rồi ra về. Tổng cộng số tiền bạn đọc giúp người dân Philippines đến chiều 13.11 là 108.240.000 đồng và 1.500 USD. Trong hôm nay, Báo Thanh Niên sẽ chuyển toàn bộ số tiền (đợt 1) đến Lãnh sự quán Philippines tại TP.HCM để sớm chuyển đến người dân Tacloban. Báo Thanh Niên cũng tiếp tục vận động quyên góp để giúp người dân ở các vùng thảm họa của Philippines vượt qua hoàn cảnh tai ương, ngặt nghèo. Tin, ảnh: Công Sơn |
Đỗ Hùng
(từ Tacloban, Philippines)
>> Nhật sẵn sàng gửi 1.000 binh sĩ đến Philippines giúp cứu trợ
>> Văn hóa súng đạn' tại Philippines cản trở việc cứu trợ nạn nhân bão
>> Cướp xe cứu trợ siêu bão Hải Yến: 2 phiến quân bị hạ sát
>> Người dân Philippines chờ hàng cứu trợ trong tuyệt vọng
>> Trao tiền cứu trợ tại Thừa Thiên-Huế
>> Tiếp tục cứu trợ dân vùng lũ Quảng Bình, Nghệ An
>> Tiếp tục hành trình cứu trợ đồng bào miền Trung
Bình luận (0)