Phản hồi bài báo 'Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa': Thay đổi do yêu cầu thực tế

14/11/2013 03:00 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 12.9 có bài Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa, ghi nhận ý kiến dư luận và một số nhà nghiên cứu cho rằng hiện trạng của chùa Vĩnh Tràng đã có nhiều thay đổi so với trước đây, như việc đốn bỏ một số cây sao cổ thụ, di chuyển tượng Phật, sơn lại tượng...

 
Tượng phật A Di Đà trước cổng chùa Vĩnh Tràng - Ảnh: Hoàng Phương

Ngày 2.11, trao đổi với PV Thanh Niên, hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) VN tỉnh Tiền Giang, cho biết việc một số cây sao quanh chùa phải đốn bỏ hoặc cưa ngọn là do cây bị chết, rỗng ruột, gây nguy hiểm.

Trước khi đốn và cưa ngọn cây, chùa đều có đơn kiến nghị và được các cơ quan chức năng ở Tiền Giang cho phép. “Theo thời gian, có những lúc chùa bị xuống cấp, vôi vữa bong tróc, rong rêu bám xanh, Ban trị sự GHPG Tiền Giang đã cho sửa chữa nhiều lần như cạo vôi, sơn lại, sửa ngói lợp mái để giữ gìn bảo tồn chùa tốt hơn. Việc trùng tu sửa chữa không hề ảnh hưởng đến chánh điện và kiến trúc nguyên thủy của chùa”, hòa thượng Thích Huệ Minh khẳng định.

Cũng theo lời hòa thượng Thích Huệ Minh, dù đã trải qua 150 năm nhưng gần như toàn bộ tượng Phật cổ ở chùa Vĩnh Tràng đều được giữ nguyên, chỉ có bộ tượng Thập bát La hán được thếp vàng lại một lần trước năm 1981 (thời điểm chùa chưa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia). Còn việc di dời 2 bức tượng hòa thượng Trà Chánh Hậu và hòa thượng Minh Đàn bên trên cổng chùa, hòa thượng Thích Huệ Minh lý giải: “Đặt hai bức tượng trên cổng, ai ra vào cũng phải lòn dưới chân hai hòa thượng như thế vừa không phù hợp với đạo lý nhà Phật vừa tạo nên dư luận không tốt. Vì vậy, Ban trị sự đã xin di dời 2 bức tượng vào trong nhà tổ. Tuy nhiên, vì lâu ngày, hai pho tượng trên bị nhiều vết loang lổ, sứt mẻ nên Ban trị sự có cho sơn lại để bảo tồn, chứ không vẽ thêm râu tóc gì cả. Đây là sự thay đổi xuất phát từ yêu cầu thực tế”.

Hòa thượng Thích Huệ Minh cũng cho biết tượng Phật A Di Đà cao 18 m được xây dựng trong chùa Vĩnh Tràng là kết hợp bởi hai truyền thống Mật, Tịnh song hành… Đây là tượng Phật Di Đà thủ ấn chứ không phải phóng quang như nhận định của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường. “Tất cả những việc thay đổi này đều được các ngành chức năng ở tỉnh Tiền Giang cho phép”, hòa thượng nhấn mạnh.

Đình Tuyển

>> Biến dạng di tích - Kỳ 4: Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa
>> Chàng Sơn rạn nứt vì tượng Phật
>> Bác tin đồn thất thiệt về tượng Phật khóc
>> Tượng Phật 300 năm tuổi bị mất trộm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.