Bức xúc trước việc chính quyền xã đột ngột nâng giá thuê kiốt lên gấp 60 lần giá thuê hiện hành, mấy ngày nay, hàng trăm tiểu thương ở chợ Vồi (phố Vồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đồng loạt tạm dừng kinh doanh để phản đối.
|
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chợ Vồi thuộc quản lý của chính quyền xã Hà Hồi, với khoảng 500 gian hàng đã đi vào hoạt động khoảng 20 năm nay, là nơi buôn bán kinh doanh cung cấp nhiều mặt hàng như quần áo, vải vóc, tạp hóa… cho các hộ dân trong khu vực.
Giữa tháng 10.2013, ban quản lý chợ và UBND xã thông báo cho 8 hộ kinh doanh đến tháng 11.2013 sẽ hết hợp đồng thầu, tính từ thời điểm năm 1993, và ra giá hợp đồng thuê mới 42 triệu đồng/gian hàng/năm, với thời hạn 5 năm, thu phí một lần 210 triệu đồng, trong đó, đã bao gồm 30 triệu đồng phí sửa chữa, cải tạo các kiốt.
Chị Đỗ Thị Chi ở thôn Hồng Thái, chủ kiốt số 4, lo lắng cho biết: Hợp đồng đang thầu với giá 12,3 triệu đồng/20 năm, tương đương 660.000 đồng/năm, trong khi mức giá thầu mới xã đưa ra tương đương 118.000 đồng/ngày, cao gấp 60 lần giá cũ.
Chị Nguyễn Thúy Hường, một trong 8 tiểu thương có kiốt buôn bán trong chợ đã hết hợp đồng thầu cũ, cũng bức xúc không kém: “Cả tháng tiểu thương chúng tôi gom góp mãi mới được 4-5 triệu tiền lãi từ gian hàng, bây giờ xã ép thuê thầu với giá cao gấp hàng chục lần giá cũ sẽ khiến chúng tôi khốn đốn đủ đường”.
Theo phản ánh, ngoài tiền thuê kiốt, các hộ kinh doanh còn phải nộp thuế chợ 100.000 đồng/năm; thuế môn bài 300.000 đồng/năm, tiền vé chợ 60.000 đồng/tháng, phải bỏ chi phí sửa chữa kiốt khi các hạng mục có dấu hiệu xuống cấp.
Không chấp nhận giá thầu mới, 8 hộ kinh doanh đã có đơn phản ánh đến chính quyền xã, Phòng Kinh tế huyện Thường Tín đề nghị xem xét lại giá, nhưng đến ngày 29.10, xã vẫn tiếp tục yêu cầu ban quản lý chợ thông báo đến 8 hộ kinh doanh giá thuê thầu hợp đồng mới không thay đổi.
Trong văn bản trả lời đơn của các hộ kinh doanh trên, xã tuyên bố “nếu trong ngày 30.10, các hộ không làm thủ tục thuê lại 8 gian kiốt bán hàng, sẽ thu hồi và thông báo cho các hộ kinh doanh khác vào đấu thầu”. Đến ngày 7.11, xã tiếp tục họp với 8 hộ kinh doanh trên, thông báo kế hoạch thực hiện theo hợp đồng đấu thầu mới, nếu không, hạn cuối 12.11 phải giao trả lại gian hàng cho xã.
Lo lắng trước mức giá thầu mới áp với 8 hộ kinh doanh trên, gần 500 tiểu thương còn lại trong chợ sắp hết hợp đồng đã tạm dừng buôn bán. Từ ngày 8 đến chiều 12.11 các tiểu thương kéo đến trụ sở UBND xã trình bày khó khăn, bày tỏ bức xúc.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Ánh, cho rằng mức giá thầu mới đưa ra trên cơ sở thỏa thuận với 8 hộ kinh doanh trong chợ, và “so với mặt bằng chung thì mức giá như vậy cũng không cao lắm”. Hiện xã đang họp bàn, xem xét lại để có kết luận cuối cùng.
Liên quan đến vụ việc này, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín, bà Chu Thị Minh Huyền, cho biết phía huyện cũng mới nhận được thông tin vì khi triển khai hợp đồng mới cho thuê kiốt đối với 8 hộ kinh doanh trên, xã không thông qua huyện.
Theo bà Huyền, chợ Vồi được xếp hạng là chợ hạng 1, với quy mô trên 400 gian hàng, huyện đang mời Sở Công thương, Sở Tài chính vào cuộc thẩm định lại mức giá thuê các gian kiốt trong chợ, đồng thời, chỉ đạo xã vận động tiểu thương quay lại buôn bán.
Theo các quyết định hiện hành của UBND thành phố Hà Nội, chợ hạng 1 là chợ do thành phố quản lý, có trên 400 điểm kinh doanh, trong khi chợ Vồi đang được xã quản lý. Mức phí quy định sử dụng diện tích chỗ ngồi kinh doanh theo tháng đối chợ loại 1 là 30.000 đồng - 200 nghìn đồng/m2/tháng, nếu 1 kiốt rộng 15 m2, phí thuê tối đa cũng chỉ là 3 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức giá xã Hà Hồi áp cho các hộ kinh doanh thuê trong chợ. |
Nguyễn Tuấn
>> Tiểu thương bức xúc vì cạnh tranh không công bằng
>> Tiểu thương Hải Dương không muốn vào chợ tạm
>> Chủ đầu tư chợ mới áp giá thuê cao, tiểu thương lao đao 'gõ cửa' chủ tịch tỉnh
>> Hậu Giang: Tiểu thương bức xúc vì giá nước quá cao
>> Hàng trăm tiểu thương chợ Vườn Hoa bãi thị
Bình luận (0)