Thủ tướng đồng ý mới được làm thủy điện

14/11/2013 01:53 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội “ Quy hoạch thủy điện ” chiều qua 13.11.

* Ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam đắc cử Phó thủ tướng

Thủ tướng đồng ý mới được làm thủy điện
Thủy điện xả lũ - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bộ trưởng cho biết, từ 2006 trở lại đây, theo phân cấp tất cả các thủy điện nhỏ đều giao cho các địa phương phê duyệt quy hoạch, các địa phương có tham khảo ý kiến của các bộ, ngành nhưng quyết định phê duyệt vẫn là của địa phương. Trong tổng số các dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch thì 65% là do các địa phương phê duyệt quy hoạch.

“Do vậy, những điều mà chúng ta đang nói đây là chúng ta đang nói về chúng ta chứ không phải nói về Chính phủ hay bộ ngành nào. Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu, từ nay trở đi, tất cả các dự án thủy điện không phân biệt quy mô khi quyết định đầu tư và trước khi khởi công đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nếu Thủ tướng đồng ý mới được khởi công", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vỡ đập, động đất, phá rừng…

Thảo luận trước đó, đa số các đại biểu (ĐB) đều bày tỏ bức xúc về việc có tới hơn 66% diện tích đất rừng bị mất bởi việc xây dựng các công trình thủy điện chưa được trồng lại theo quy định.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, thực tế có chuyện lợi dụng làm thủy điện để phá rừng. Ông đề nghị: Chính phủ cần làm rõ vì sao phần lớn các dự án thủy điện hiện nay không trồng rừng, có dự án giải thích không trồng rừng vì không có đất nhưng có nơi có đất cũng không trồng. “Vì sao làm thủy điện gần 20 năm mà mãi đến năm 2013 Bộ NN-PTNT mới quy định về trồng rừng?”, ĐB Út nêu vấn đề.

Chưa bao giờ mối nguy cơ từ các công trình thủy điện vừa và nhỏ lại phát lộ nhiều như lúc này, xảy ra nhiều sự cố về con người về tài sản, hoa màu, phá vỡ cân bằng sinh thái… nhưng không ai chịu trách nhiệm. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ ra rằng: Quá trình vận hành thủy điện ở nhiều địa phương cho thấy, nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không quan tâm tới trách nhiệm và nghĩa vụ đã cam kết.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, hiện tượng lũ tăng bất thường, vỡ đập, động đất, phá rừng biến đổi hình thái sinh thái… là do kết quả tất yếu của việc tăng trưởng nóng về thủy điện hơn 10 năm gần đây. “Sự dễ dàng, buông lỏng quản lý trong việc phê duyệt quy hoạch thủy điện đã bắt cả môi trường tự nhiên và người dân gánh chịu thảm họa do sự cố thủy điện gây ra”, ĐB Hoàng nói.

Nhường đất cho thủy điện, hơn 40 năm vẫn chưa có điện

ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá toàn diện, nhất là việc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân sau khi nhường đất để xây dựng các công trình thủy điện còn rất mờ nhạt. Ông dẫn chứng, cách đây hơn 40 năm, 5 vạn dân đã phải di chuyển nhường gần 20.000 ha đất để xây dựng thủy điện Thác Bạc (Yên Bái). Nhưng đến nay vẫn còn hơn 1 vạn dân vẫn chưa có điện. "Người dân hỏi nhau rồi hỏi ĐBQH là bao giờ thôn bản mình có điện. Dân nhường đất để làm ra điện nhưng hơn 40 năm vẫn chưa có điện là thực tế không thể chấp nhận”, ông Bình bức xúc.

 Từ thực tế hơn 65.000  hộ với trên 300.000 nhân khẩu phải di dời để nhường nơi ở của mình cho công trình thủy điện là nguyên nhân chính gây ra nghèo đói và di cư tự do vì nơi ở mới không đảm bảo, ĐB Danh Út đề nghị: "Cần có số liệu cụ thể hơn, làm thủy điện đã có bao nhiêu khu tái định cư đảm bảo được đời sống của người dân được bằng và tốt hơn nơi ở cũ".

ĐB Nguyễn Thái Học chỉ trích gay gắt việc tập trung quá đà và phát triển thủy điện trong một thời gian dài dẫn đến hậu quả là đầu tư thủy điện thành một phong trào. Điều đáng quan tâm là hàng loạt vi phạm lại không được phát hiện hoặc nếu có phát hiện thì cũng không bị xử lý. “Điều này khiến người dân bức xúc cho rằng, các công trình thủy điện có những đặc quyền đặc lợi khác thường nên không bị xem xét xử lý vi phạm”, ĐB Học nói.

ĐB Danh Út đặt câu hỏi: "Vì sao hơn 424 dự án bị loại ra trước đó đều thẩm định tác động môi trường tốt nay lại loại vì không tốt cho môi trường?". ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị xác định rõ một số bộ ngành, địa phương liên quan chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao trong tham mưu, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng đề nghị ra nghị quyết về kết quả rà soát chứ không chấp nhận nghị quyết thừa nhận quy hoạch thủy điện, bổ sung loại bỏ những thủy điện nhỏ, tạo lợi nhuận không bao nhiêu nhưng gây ra hệ lụy lớn cho xã hội.

Với tỷ lệ phiếu thuận lần lượt là 84,54% và 85,75%, hôm qua QH đã phê chuẩn ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ, với tỷ lệ phiếu thuận đạt trên 84% tổng số ĐBQH. Cùng ngày, Thủ tướng cũng đã có tờ trình đề nghị QH phê chuẩn ông Nguyễn Văn Nên, Phó ban Tuyên giáo T.Ư giữ chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Kết quả bỏ phiếu phê chuẩn sẽ được công bố sáng nay, 14.11.

 Bảo Cầm

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.