Thầy cô nào cũng ôm mấy bó hoa, cũng được học sinh gắn hoa đầy ngực áo, trông như “rừng hoa biết đi”. Còn bó hoa tôi nhắc ở đây dù chỉ có 3 bông hồng nhỏ, lại gói bằng giấy báo chứ không như kiểu gói quà, vậy mà với tôi lại rất đặc biệt. Người đàn ông trung niên, mặc chiếc quần bò vá chằng chịt, chiếc áo sơ mi tuy được giặt sạch nhưng đã ố vàng, tay cầm hoa, tay dắt con đến tận nhà, cử chỉ thái độ thật trang trọng, lễ phép:
- Thưa cô, xin cô nhận chút lòng thành của cha con tôi nhân ngày nhà giáo. Thay mặt cháu, tôi xin cảm ơn công chăm sóc, dạy dỗ của cô mấy tháng qua… Cháu có sơ sót gì xin cô cứ dạy bảo giùm.
Mãi đến lúc đó tôi mới nhận ra em học sinh lớp mình chủ nhiệm. Trái với cha, em rất tươm tất, sạch sẽ trong bộ đồng phục, mặt mày sáng rỡ tươi cười. Em học giỏi, nhanh nhạy tất cả các môn, được bạn bè yêu mến. Cứ thế, suốt 3 năm THPT, năm nào cũng vậy người cha lại dẫn con đến trao tặng cô giáo chủ nhiệm một bó hoa hồng cùng lời cảm ơn và gửi gắm con mình. Và tôi, như một thói quen, hôm trước ngày lễ lại dẹp bỏ mọi bận bịu, chờ hai cha con và bó hoa quen thuộc, để rồi sau khi tiễn khách ra về, tôi cắm 3 đóa hồng vào chiếc lọ hoa nhỏ trên bàn làm việc, ngồi đó và cảm nhận một niềm vui kỳ lạ cứ dần dần lan tỏa trong lòng… Ngày mai 20.11, tôi sẽ vào trường với niềm vui của người thầy cô giáo đang tham gia vào sự nghiệp “trồng người”. Có người cha gò lưng đạp xe lôi nuôi con ăn học, dạy con biết nhớ ơn thầy cô như thế thì làm sao chúng tôi có thể xao nhãng trách nhiệm của mình.
Mười năm qua, cậu học trò của tôi đã tốt nghiệp đại học, ổn định nghề nghiệp ở một công ty. Người cha cũng không còn đạp xe lôi bởi chiếc xe một thời nuôi sống gia đình ấy đã chẳng còn được lưu thông nơi đô thị. Do bận việc, thỉnh thoảng dịp lễ 20.11 cậu mới đến thăm cô giáo cũ với hẳn một lẵng hồng trên tay nhưng sao trong tôi vẫn thấy lung linh, rực rỡ mấy đóa hoa hồng từ đôi tay run run của vị phụ huynh ngày nào.
Chỉ một bó hoa hồng. Đúng, chỉ một bó nhỏ với ba bông hoa nhưng trong đời không phải ai cũng được hạnh phúc đón nhận. Cảm ơn người phu xe bình dị đã cho bản thân tôi, đến khi rời bục giảng, thấy rõ mình đã không chọn nhầm nghề.
Nguyễn Ngọc Tuyết
Bình luận (0)