Muốn được sống sót và trở về Việt Nam

18/11/2013 03:20 GMT+7

Buổi chiều, chiếc phà chở khách của hãng Roble hú một hồi còi dài chào cảng Cebu sau hành trình 6 tiếng từ Ormoc . Những người dân tị nạn đã tới được nơi họ cần tới, nhưng tương lai thì vẫn mông lung bất định.

Người tị nạn Tacloban xuống phà, tiến về thành phố Cebu - Ảnh: Đỗ Hùng
Người tị nạn Tacloban xuống phà, tiến về thành phố Cebu - Ảnh: Đỗ Hùng 

>> Đã tiếp cận được người Việt ở Ormoc, Philippines
>> Người Việt thoát khỏi Ormoc hỗn loạn

Dòng người tị nạn tiếp tục đổ về Cebu, tạo áp lực rất lớn lên thành phố này. Trong ngày hôm qua, có khoảng 50 chuyến tàu, phà xuất phát từ các bến bên phía đảo Leyte đã cập cảng Cebu, mang theo hàng ngàn người chạy nạn.

Các nạn nhân cần gì ?

Để đón làn sóng nạn nhân bão Haiyan từ Tacloban và các địa phương bị tàn phá, chính quyền tại tỉnh Cebu đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp. Gạo, thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng cứu trợ khác được tập trung tại Trung tâm hội nghị quốc tế (CICC) ở Cebu. Từ đây, hàng sẽ được chuyển tới các trung tâm tị nạn trong vùng. Đến chiều hôm qua, sinh viên học sinh tại Cebu tiếp tục xếp hàng dài tại CICC để đăng ký làm tình nguyện viên. Nhiệm vụ của những người này là hướng dẫn thông tin và thực hiện các công tác trợ giúp khác đối với người tị nạn. 

Tại thành phố Mandaue và Cebu, chính quyền đã lấy một số trung tâm thể thao, công sở, nhà thờ… để làm chỗ ở cho những cư dân chạy nạn sau bão Haiyan. Chẳng hạn như trung tâm thể dục Banilad ở Mandaue, một đô thị phụ cận của thành phố Cebu, đã được biến thành trại tị nạn đón hàng chục gia đình từ Tacloban và các vùng khác chạy sang.

Tại Cebu, bên cạnh chính phủ thì các công ty và tổ chức dân sự đã cùng tham gia công tác hỗ trợ người tị nạn. Theo giới chức phụ trách công tác nhân đạo tại Cebu, các nạn nhân bão Haiyan đã về tị nạn tại đây có thể tạm thời yên tâm về thực phẩm, nước uống vì được chính quyền cung cấp hằng ngày. Những thứ họ thiếu thốn và cần được giúp đỡ nhất bây giờ là xà bông, dầu gội, kem đánh răng, bàn chải, băng vệ sinh, quần lót nam nữ, khăn tắm, áo ngực (lưu ý là đối với đồ lót thì phải là đồ mới). Một số trẻ sơ sinh rất cần sữa mẹ; nhiều trẻ em cần quần đùi, khăn tắm, giày dép. Tất nhiên, đấy là đối với các nạn nhân đã di tản thành công tới Cebu và các khu vực không bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan, tại những nơi mà chính quyền và các tổ chức thiện nguyện đủ sức cáng đáng chuyện ăn uống. Còn đối với những nạn nhân còn trụ lại tại Tacloban, Palo…, thì thực phẩm và nước sạch vẫn là đòi hỏi đầu tiên, bên cạnh những thứ đã đề cập ở trên. Do điều kiện không có điện, thiếu nước sạch trong dài hạn ở các vùng bị tàn phá bởi bão Haiyan, thực phẩm chuyển tới cứu trợ các vùng này nên là các loại có thể ăn ngay (bánh mì, đồ đóng hộp, sữa…), không đòi hỏi bảo quản nghiêm ngặt, có thể dùng được ít nhất trong 1 - 2 tháng.

“Anh em rất lo sợ, rất muốn về”

Trong những ngày qua, phóng viên Thanh Niên vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các nạn nhân người Việt vừa di tản khỏi Tacloban. Đến nay, không còn ai ở lại thành phố chết này nữa. Vào hôm qua, ông Huỳnh Ngọc Sang (41 tuổi, quê Tuy Hòa, Phú Yên) gọi điện cầu cứu tới Thanh Niên. Ông Sang cho biết ông cùng anh em đang lánh nạn tại Sogod, miền nam đảo Leyte. “Bây giờ cái mà anh em cần không phải là mì tôm, lương khô. Anh em chỉ muốn được tạo điều kiện về nhà, được trở về với gia đình”. Hiện nay, theo ông Sang, số nạn nhân Tacloban đang mong muốn được giúp đỡ để về nước có 19 người: 5 người ở Sogod, 7 người ở tỉnh Cebu và 7 người ở Bohol.

Theo ông Sang, hôm 14.11, hai cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Manila đã xuống Ormoc để trao 280 kg hàng cứu trợ. Sau đó, nhóm nạn nhân người Việt đang lánh nạn tại đây đã tổ chức xe để đưa đoàn công tác xuống Tacloban đón thêm một gia đình người Việt lên. Cán bộ đại sứ quán cũng đã ghi lại danh sách những người Việt gặp nạn ở Tacloban và lưu lại số điện thoại để tiếp tục giúp đỡ. Tuy nhiên, theo ông Sang và một số người Việt khác lánh nạn tại Cebu, những ngày sau họ đã liên lạc với các cán bộ của đại sứ quán nhưng không được trả lời điện thoại.

“Anh em đang rất lo sợ. Ở Sogod, ban đêm mọi người không dám ngủ vì sợ cướp bóc. Bọn cướp tưởng mình là dân chạy nạn có mang theo của cải nên chúng có thể tấn công, cướp của, thậm chí giết người. Tụi tôi cùng đường rồi. Chỉ mong được đại sứ quán giúp đỡ cho về nước”, ông Sang nói. Trên thực tế, tình hình trị an ở vùng đảo Leyte hiện nay rất đáng lo ngại. Những thành phố chết như Tacloban, Palo... ở miền đông đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Thành phố Ormoc, cửa ngõ miền tây của đảo Leyte, hiện đang rất lộn xộn vì làn sóng tị nạn đổ về và đang kẹt phà, không thể qua Cebu được. Hôm 16.11, một vụ đọ súng đã xảy ra tại đây và cảnh sát đã bắn hạ hai người đàn ông được cho là tù nhân vượt ngục ở Tacloban.

Những lộn xộn này rất dễ lan rộng và có lý do để lo ngại về an ninh cho người Việt Nam tại đây. Bên cạnh đó, những nạn nhân người Việt tại đây đang ở trong tình cảnh “không có ngày mai”, “mất sạch rồi” và mong muốn của họ là “được sống sót trở về Việt Nam”. Họ muốn thông qua Báo Thanh Niên gửi tới Đại sứ quán Việt Nam một thỉnh cầu được giúp đỡ.

Đỗ Hùng
(từ Ormoc -Cebu, Philippines)

>> Dòng người di tản ở sân bay Tacloban
>> Nấm mồ tập thể ở Tacloban
>> Những hố chôn tập thể ở Tacloban
>> Chuyển đồ cứu trợ cho người Việt tại Tacloban
>> Nụ cười ở Tacloban
>> Tháo chạy khỏi Tacloban
>> Cứu trợ 'nhỏ giọt' tại Tacloban, hôi của lan rộng
>> Tacloban khát điện, khát nước và khát đủ thứ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.