Trong khi Chelsea, Man.City, M.U... vẫn đang “thượng lộ bình an” thì Malaga, Glasgow Rangers và trước đó là Portsmouth, Oviedo đã và đang nhận trái đắng khi trở thành một phần trong “cuộc chơi” lắm tiền của những tỉ phú thế giới.
>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 3: Nhà vua sắp băng hà
>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 2: Hành xác vì du đấu
|
Nỗi đau Rangers
Rangers là đội bóng giàu truyền thống nhất bóng đá Scotland với tổng cộng 115 danh hiệu, trong đó có 54 lần đăng quang giải vô địch quốc gia, 33 lần lên ngôi cúp quốc gia, 27 chức vô địch League Cup và một chức vô địch châu Âu vào năm 1972. Thế nhưng, một Rangers hùng mạnh đã “chết dần chết mòn” kể từ khi được tài trợ bởi ông trùm thép David Murray vào năm 1999. Với mục tiêu hướng đến thành công ở đấu trường châu Âu, Rangers bắt đầu mạnh tay chi tiêu để đầu tư chất lượng đội bóng bằng việc mời nhà cầm quân nổi tiếng Hà Lan Dick Advocaat, sau đó chiêu mộ một số tên tuổi của bóng đá châu Âu. Đồng tiền của ông trùm thực tế đã đem lại những thành công nhất định ở đấu trường châu Âu, cùng hàng loạt danh hiệu ở giải quốc nội. Oái oăm thay, tỷ lệ thuận với thành công là nợ nần chồng chất khiến Rangers phải bán một số ngôi sao trong đội hình vào năm 2009. Đến năm 2012, trước thời điểm đội bóng thủ đô Scotland buộc phải thanh toán tiền nợ thuế, David Murray lập tức “bỏ chạy” khi bán lại đội bóng cho một CĐV trung thành là Craig Whyte vào cuối năm 2011 với giá... 1 bảng tượng trưng, nhưng kèm theo đó là các hóa đơn thanh toán nợ khoảng 134 triệu bảng. Với tài khoản trống rỗng và nợ nần, Rangers không đủ điều kiện tham dự giải đấu hàng đầu Scotland mùa 2012 - 2013, trong khi các cơ quan chức năng chiếu theo quy định tiến hành thanh lý đội bóng. Trước nỗi đau của người hâm mộ, sau đó một doanh nhân người Anh bỏ tiền mua lại những “tàn dư” của đội bóng, rồi đổi tên thành The Rangers FC thi đấu ở giải hạng 3 Scotland.
Căn bệnh Malaga
Tháng 6.2010, Malaga từ một đội bóng trung bình chuyên lo trụ hạng bỗng chốc được đánh giá có thể phá vỡ sự thống trị La Liga của Real Madrid và Barcelona, sau khi được mua lại bởi tỉ phú Sheikh Abdullah Bin Nasser Al-Thani thuộc hoàng gia Qatar. Ngoài việc bỏ hàng trăm triệu USD để “tậu” về hàng loạt ngôi sao cho đội bóng (gồm Jeremy Toulalan, Joris Mathijsen, Santi Cazorla và Ruud van Nistelrooy...), tỉ phú này còn vẽ ra viễn cảnh trong mơ là đầu tư xây dựng các thị trấn khu vực Costa del Sol thuộc tỉnh Malaga thành một “thành phố thể thao” với sân vận động mới bên cạnh bến du thuyền, khách sạn sang trọng ở khu nghỉ mát Marbella. Sự đầu tư của ông bắt đầu gặt hái thành công khi Malaga kết thúc La Liga mùa giải 2011 - 2012 ở vị trí thứ 4 để giành quyền tham dự vòng đấu loại Champions League 2012 - 2013. Tuy nhiên, niềm vui đang lan tỏa thì Malaga nhận tin sốc khi Sheikh “phủi tay” rời đội để lại khoản nợ 90 triệu euro. Theo báo giới Tây Ban Nha, nguyên nhân dẫn đến kết cục trên xuất phát từ việc Sheikh không còn hứng thú với bóng đá do không đem lại nhiều lợi ích bên cạnh việc chính quyền địa phương ngăn cản dự án “thành phố thể thao”, sự phân chia bản quyền truyền hình bất hợp lý ở La Liga. Không còn cách nào khác, Malaga sau đó buộc phải bán Cazorla cho Arsenal, rồi Jose Salomon Rondon cho Anzhi Makhachkala, Isco cho Real Madrid... để giải quyết khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, với việc nợ thuế và lương, đội bóng chủ sân La Rosalera phải nhận hậu quả khi bị UEFA cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu mùa giải tới. “Sheikh là anh hùng tuyệt đối với đội bóng ở một khía cạnh nào đó (ý nói đến việc đầu tư đào tạo trẻ). Giờ đây ông trở thành một anh hùng phản diện trong mắt người hâm mộ”, báo giới Tây Ban Nha trích dẫn một tuyên bố từ đại diện của Malaga cho biết.
Ở mùa giải năm nay, Malaga chủ yếu sống nhờ những tài năng trẻ và đang trở lại hình hài của một đội bóng phải lo trụ hạng. Thế nhưng, đội bóng miền nam Tây Ban Nha vẫn chưa thoát viễn cảnh u ám khi khả năng bị đánh rớt hạng do vấn đề khủng hoảng tài chính đang treo lơ lửng. Đó là chưa kể họ sẽ đối phó luật công bằng tài chính của UEFA như thế nào.
Trước và sau Malaga và Rangers còn có Portsmouth (Anh), Oviedo (Tây Ban Nha) lâm cảnh tương tự khi trở thành một món hàng buôn đi bán lại của những tỉ phú trước khi tuyên bố phá sản. Vì vậy, hãy thử tưởng tượng Man.City, Chelsea và PSG... sẽ ra sao khi các ông chủ tỉ phú bỗng nhiên “bốc hơi”?
Nguyên Khoa
>> HLV Wenger: Cầu thủ Arsenal bị cóng chân tại Old Trafford
>> Van Persie giúp M.U hạ Arsenal tại Old Trafford
Bình luận (0)