Khát vọng Việt đua tài

19/11/2013 04:55 GMT+7

Đã đi qua 4 khu vực với sự tham gia của 24 trường ĐH-CĐ, ngày 17.11, Hành trình vì Khát vọng Việt đã đến TP.HCM bằng sự tranh tài của 6 trường đại học: ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc tế và ĐH Bách Khoa.

 Khát vọng Việt đua tài 1
Các đội vào chung khảo khu vực TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tranh tài quyết liệt

Cuộc so tài giữa 6 trường đại học đã “nóng” lên ngay từ những phút đầu. Nóng lên không chỉ bởi 700 bạn sinh viên đến cổ vũ chật kín khán phòng, mà còn bởi sự đa dạng, sáng tạo trong đề tài dự thi cũng như cách thể hiện.

Nếu như ĐH Công nghệ thông tin có đội trưởng Đào Anh Nguyên giới thiệu “Dự án mạng xã hội với công cụ tìm kiếm ILP” một cách rất sinh động, thông minh đã nhận được liên tiếp những pháo tay tán thưởng từ khán giả và ban giám khảo, thì ĐH Khoa học tự nhiên  lại giới thiệu “Dự án phần mềm quản lý, chăm sóc cây xanh qua internet” bằng video clip được thực hiện rất công phu. Không chịu kém, ĐH Kinh tế - Luật dùng hoạt cảnh kịch để đề cập đến “Dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ trái điều”...

“Nhìn chung các đội đều có ý tưởng tranh tài khá tốt, cách thể hiện đa dạng. Vì thế, hơn thua nhau lúc này chỉ còn là tính khả thi của dự án”, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tuấn Quỳnh cho biết.

Vượt qua ĐH Bách khoa, ĐH khoa học tự nhiên, và ĐH Kinh tế - Luật, 3 ý tưởng: “Sản xuất giấy từ phân bò” (ĐH Quốc tế), “Mạng xã hội với công cụ tìm kiếm thông minh ILP” (ĐH Công nghệ thông tin) và “Du lịch bụi bằng xe buýt” (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) lọt vào vòng hai vì chứng minh khá tốt tính khả thi của dự án.

Khát vọng Việt đua tài 2
Đội ĐH Quốc tế - Ảnh: Diệp Đức Minh

“Sản xuất giấy từ phân bò” chiến thắng

Vòng hai bắt đầu “mệt mỏi” hơn vì mỗi đội phải trình bày khá cụ thể về kế hoạch kinh doanh của mình. Ứng cử viên vô địch, Dự án sản xuất giấy từ phân bò (ĐH Quốc tế) đã “đụng” những câu hỏi thực tế: “Vì sao chọn phân bò mà không tái chế giấy để xài? Làm thế nào để việc thu gom phân bò hiệu quả?”. ĐH Quốc tế đã trả lời: “Củ Chi có mô hình chăn nuôi bò rất phát triển với gần 60.000 con. Hơn nữa, hệ thống đường sá rất tốt tại đây sẽ giúp việc thu gom phân bò diễn ra thuận lợi”. Và sau đó, bằng những số liệu cụ thể, kế hoạch hoạt động chi tiết, ĐH Quốc tế đã chứng minh tính khả thi của dự án một cách khá thuyết phục.

Vẫn chưa hết thử thách, sau cuộc thuyết trình, trong vòng 5 phút, 3 đội phải đưa ra phương án xử lý khủng hoảng cho tình huống của ban giám khảo đưa ra. Nếu như ở phần thi trước, đội ĐH Quốc tế chiếm ưu thế thì ở phần giải quyết tình huống này, đội ĐH Công nghệ thông tin lại có phần nhỉnh hơn. Cũng vì vậy mà cuộc đua về đích càng gay cấn hơn.

Thành viên ban giám khảo, bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội, cho biết: “Đây là một phần thi khó vì trong một thời gian ngắn, các bạn phải đưa ra quyết định liên quan đến sự thành, bại của doanh nghiệp và các đội tham gia đều không được chuẩn bị trước. Nhưng cũng chính vì thế, nó sẽ thể hiện được sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm và cả... dám chịu thất bại”.

Và cuối cùng, không nằm ngoài dự đoán, với sự độc đáo của ý tưởng cũng như tính thực tế của đề tài, “Dự án phân bò” của ĐH Quốc tế đã giành chiến thắng sít sao so với ĐH Công nghệ thông tin.

Dù “thua ngay trên sân nhà” nhưng đội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn vẫn rất khẳng khái: “ĐH Quốc tế thật sự xứng đáng giành tấm vé duy nhất vào vòng chung kết. Về phía đội, dù không vào tiếp vòng trong nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phấn đấu cho ước mơ của mình. Chẳng phải một trong những yếu tố của thành công là dám thất bại đấy sao?”.

 Khát vọng Việt đua tài

Hành trình vì Khát vọng Việt do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức từ tháng 10.2013 đến tháng 2.2014.

Với mục đích quy tụ những gương mặt sáng tạo trong nhiều lĩnh vực để truyền ngọn lửa khát vọng, khơi dậy khát khao dấn thân, sáng tạo để cạnh tranh với thế giới, năm nay, ngoài “Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm làm giàu bền vững” tại 8 tỉnh thành cả nước, 30 trường đại học, cao đẳng tại 5 khu vực trên toàn quốc sẽ cùng tranh tài ở phần thi “Sáng tạo tương lai” để chọn ra 5 đội vào vòng bán kết và chung kết (tổ chức vào ngày 21.11  và đêm 23.11 tại TP.HCM).

Cũng trong ngày 17.11, sinh viên còn được giao lưu, học được những kinh nghiệm quý báu từ diễn giả người Israel, Nimrod Bar-Levin, đồng sáng lập kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh Ono Apps. Từ một công ty 25 thành viên, trong 5 năm, công ty của ông đã giới thiệu 160 phần mềm cho 110 khách hàng trên toàn cầu. Tại buổi nói chuyện, ông Nimrod Bar-Levin nhấn mạnh những yếu tố làm nên thành công: xây dựng một đội ngũ làm việc mạnh, cần có lý tưởng kinh doanh, luôn hướng đến tương lai nhưng không quay lưng với quá khứ và quan trọng nhất là phải có khát vọng lớn, đừng sợ thất bại. Có khát vọng mới có thành công.

T.Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.