Sau tiêm Quinvaxem, trẻ cần được theo dõi từ 24 - 48 giờ tại gia đình - Ảnh: Thúy Anh |
Nhiều biểu hiện gây lo lắng
“Sau khi tiêm buổi sáng thì 3 giờ chiều cháu có sốt nhẹ, sau đó có nổi vài nốt ban rồi hết. Nhưng qua một đêm đến sáng hôm sau thì cháu bị nổi ban trở lại, lần này ban ở khắp người, đặc biệt là nổi kín và nề cả hai chân nên gia đình cho cháu vào bệnh viện”, người mẹ của bé trai 7 tháng tuổi, nhà ở H.Quốc Oai (Hà Nội) kể lại.
|
Trường hợp trên là một trong 8 trẻ được đưa vào Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư theo dõi sức khỏe sau khi tiêm Quinvaxem. Một số trường hợp khác như: bé trai 4 tháng tuổi ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội) nhập viện do sốt và nổi ban; một bé 3 tháng tuổi ở H.Mê Linh nhập viện vì có sốt...
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm của BV Nhi T.Ư, cho biết các bé được cha mẹ đưa đến nhập viện sau tiêm Quinvaxem từ 4 - 24 tháng tuổi. Theo phản ánh của gia đình, trẻ có có biểu hiện: sốt cao (trên 38,5 độ C), tím tái, nổi ban, co giật, sưng đau tại vết tiêm. Trong số này, một trẻ gái 10 tháng tuổi sau tiêm có sốt cao và xuất hiện cơn co giật. Khi hết sốt, bé vẫn còn cơn giật và được chẩn đoán là động kinh, điều trị tại Khoa Thần kinh của BV Nhi T.Ư. “Trước tiêm bé có sức khỏe bình thường, nhưng cũng chưa có cơ sở khẳng định vắc xin là nguyên nhân gây bệnh động kinh ở trẻ”, TS Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh, cho biết. Theo các bác sĩ, cũng có trường hợp gia đình phản ánh bé bị tím tái sau tiêm, nhưng quá trình theo dõi tại BV thì bé không có bất thường nào.
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, kết quả giám sát của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho thấy trong đợt đầu tiên tiêm lại Quinvaxem (từ ngày 4 - 8.11), Hà Nội có 47.000 trẻ đã tiêm, trong đó ghi nhận 113 trẻ sau tiêm có phản ứng từ nhẹ đến nặng; không có trường hợp tử vong. 37/113 trẻ đã được theo dõi tại cơ quan y tế các tuyến. Trong số này, 15 trẻ có sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm; 11 trẻ biểu hiện tím tái, co giật; số còn lại có sốt, nổi ban dị ứng.
Lưu ý sau tiêm chủng
TS Hiển nhận xét, hiện tại các phản ứng sau tiêm Quinvaxem được ghi nhận: 0,18% có sốt; 0,03% có sưng đau tại vết tiêm; 0,5% trẻ quấy khóc; 0,03% biểu hiện tím tái; xuất hiện co giật và ban đỏ là 0,02% và 0,01%. Các phản ứng sau tiêm vắc xin được ghi nhận tại thời điểm này chỉ bằng 1/10 so với tỷ lệ phản ứng cho phép của Tổ chức Y tế giới đối với vắc xin. Theo TS Hiển, phản ứng nặng dễ gặp ở các trẻ có bệnh như: viêm phổi, viêm phế quản, còi xương, béo phì.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm lưu ý thêm: ngoài việc thông báo cho nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng về sức khỏe của trẻ, gia đình cần cho trẻ lưu lại điểm tiêm 30 phút để đảm bảo trẻ không bị sốc phản vệ. Đây là phản ứng nguy hiểm thường xuất hiện sớm sau tiêm (nếu có). Trẻ cần được theo dõi tiếp trong vòng 24 - 48 giờ sau tiêm vì có thể xuất hiện các phản ứng phụ. Giai đoạn này thường là các phản ứng nhẹ hơn (sưng tấy, sốt) nhưng vẫn cần đề phòng các tình huống bất thường, trong đó gia đình cần biết hạ sốt đúng cách để tránh cho trẻ nguy cơ bị co giật do sốt cao.
Liên Châu
>> Lo tai biến sau tiêm Quinvaxem
>> An toàn sau ngày đầu tiên tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem
>> Lo ngay ngáy khi tiêm lại vắc xin Quinvaxem
>> Hà Nội cẩn trọng khi tiêm lại Quinvaxem
Bình luận (0)