|
Ông Nguyễn Hữu Tranh hóm hỉnh: “Đà Lạt là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, tôi được sinh ra tại Nhà thương Đà Lạt vào năm 1939, nên tôi yêu mảnh đất này”. Thời thơ ấu ông Tranh theo học tại trường tiểu học Pháp - Việt ở D’ran, sau đó lên Đà Lạt học trung học với các thầy giáo người Pháp. Năm 1964, ông đậu kỹ sư Nông khoa tại trường Nông Lâm Súc Sài Gòn. Nhờ giỏi tiếng Pháp, ông được mời giảng dạy môn Pháp văn và Nông học tại trường Quốc gia Nông Lâm Súc Bảo Lộc… Sau năm 1975 ông làm việc tại Phòng Nông Lâm H.Đơn Dương, rồi làm cán bộ Mặt trận tỉnh Lâm Đồng; từ năm 1982 ông phụ trách Phòng Thông tin khoa học của Ban khoa học tỉnh, sau này là Sở Khoa học - Công nghệ.
Hơn 30 năm qua, ông Tranh bỏ nhiều thời gian đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, các thư viện ở TP.HCM, Nha Trang, Đà Lạt… sưu tầm, ghi chép, sao chụp các tài liệu liên quan đến Đà Lạt. Năm 1993, mừng Đà Lạt 100 tuổi, ông xuất bản cuốn “Đà Lạt năm xưa”, dù chỉ 120 trang, nhưng trong đó chứa đựng nhiều tư liệu quí hiếm nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Hán lần đầu được công bố có tính xác thực cao. Ông còn thực hiện tập Danh mục tư liệu Đà Lạt với 367 tư liệu, trong đó 292 tư liệu tiếng Việt, 61 tư liệu tiếng Pháp, 9 tư liệu tiếng Anh, 5 tư liệu chữ Hán. Đến năm 2001, “Đà Lạt năm xưa” được tái bản với 250 trang, trở thành “cẩm nang” cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu về Đà Lạt.
|
Với nhiều tài liệu mà ông Tranh tìm thấy đã góp phần quan trọng cho nội dung các tác phẩm Đà Lạt - thành phố cao nguyên (1993), Địa chí Lâm Đồng (2001), Địa chí Đà Lạt (2008). Ông Tranh còn biên soạn tài liệu dạy và học tiếng Cơ-ho, tự điển Việt- Churu… Ông Nguyễn Hữu Tranh được biết đến như một “Nhà Đà Lạt học” khi ông lần lượt dịch các tài liệu ra tiếng Việt và công bố trên báo chí.
Một công trình đáng ghi nhận khác, dù tuổi cao nhưng ông âm thầm biên soạn “tự điển” ABC Đà Lạt giới thiệu lịch sử, địa lý, con người, tập tục, tôn giáo, cây cỏ… liên quan đến Đà Lạt rất ngắn gọn, súc tích, chính xác và dễ hiểu. Để thực hiện ABC Đà Lạt ông phải lọc cọc trên chiếc xe đạp đến nhiều nơi để tìm hiểu thực tế, chụp hình ảnh. Chẳng hạn khi viết về Domaine de Marie, Thánh Mẫu, Thiên Vương Cổ Sát…, ông đến Tòa Giám mục Đà Lạt, Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc, tên gọi. “Nếu in thành sách, ABC Đà Lạt dày trên 300 trang, nhưng tôi quyết định đưa lên mạng để mọi người có thể tra cứu tự do”- Ông Tranh cho biết thêm. Tại sao không in sách bán để có thêm nguồn thu, đưa lên mạng coi như “xem không biếu không”? Nhà “Đà Lạt học” đọc câu ca dao: “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”. Một lý do khác, ABC Đà Lạt phải cập nhật và bổ sung hằng năm, in thành sách khó bổ sung. Ông Tranh cho biết: “Việc sưu tầm tư liệu hay làm ABC Đà Lạt cũng vì tấm lòng yêu mến Đà Lạt, muốn nhiều người hiểu và yêu mến Đà Lạt hơn”.
Bài, ảnh: Lâm Viên
Bình luận (0)