|
“Lúc bão ập đến, em đang ở trong nhà trọ tại thành phố Tacloban. Chỉ vài đợt gió là nhà bị thổi bay và nước tràn vào. Em chạy ra ngoài, chạy theo sau những người Philippines”, gặp phóng viên Thanh Niên tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Manila vào chiều hôm qua, anh Nguyễn Hữu Đức dường như chưa hết bàng hoàng, kinh hãi.
Tôi hỏi lúc đó anh định chạy đi đâu. “Em cũng không biết nữa. Em cứ bám theo dân Philippines. Họ chạy đâu thì mình theo đó. Chạy miết, tới lúc gió ngớt thì thấy mình đang đứng trên núi. Nếu chậm chân, ở dưới kia là đã chết rồi, không bị gió quật, nhà sập đè thì cũng bị sóng cuốn”.
Đức và những người dân địa phương cứ đứng mãi trên núi từ sáng sớm cho đến 14 giờ chiều thì mới lần xuống thành phố. Lúc đó không còn đường mà đi, phải đi trên các tấm ván, thân cây. Nước ngập khắp nơi. Xác người khắp nơi. Đổ nát khắp nơi. “Em chạy theo dân địa phương tìm đến đồn cảnh sát và trụ sở chính quyền. Nhưng chính quyền cảnh báo có khi sóng biển lại đánh vào, nên mọi người lại lên núi. Người ngồi sát nhau, nép vào vách núi, ngồi lo sợ suốt đêm”.
|
Đến sáng hôm sau, khi biết chắc mình còn sống và không còn sóng biển hay bão tố nữa thì Đức lại theo chân người dân địa phương xuống núi, trở về thành phố. Bản thân sống sót, nhưng lúc này Đức lại không biết người anh trai của mình tên là Nguyễn Tấn Cư đang lánh nạn ở đâu, còn sống hay đã chết.
“Em chạy đi tìm khắp nơi. Thấy người chết nằm la liệt, nhà cửa đổ nát. Cả thành phố không còn gì. Em sợ kinh khủng. Không biết anh trai mình có nằm trong số những xác chết bên đường kia hay không”, anh Đức kể, người run lên vì xúc động.
Đến ngày thứ ba sau bão, Đức mới gặp được anh trai tại nhà một người bạn của anh này. “Hai anh em mừng không thể tả được luôn. Mấy ngày sau đó tụi em ở trong nhà người Philippines, nhờ họ ra ngoài kiếm thức ăn, nước uống về sống qua ngày. Rồi có gia đình người Philippines di tản xuống đảo Mindanao ở miền nam bằng xe. Hai anh em xin đi nhờ, nhưng chỉ một người đi được vì không có chỗ. Thế là anh Cư đi. Lúc đó hai anh em dốc hết túi chỉ còn 5.000 piso (gần 2,5 triệu đồng), em cầm 2.000 ở lại, anh Cư cầm 3.000 đi”, anh Đức kể.
|
Sở dĩ anh Cư đi trước là bởi anh còn giữ được hộ chiếu, trong khi anh Đức thì đã để mất giữa lúc chạy bão. “Lúc bão vô, anh Cư nhét hộ chiếu vào quần xịp nên còn giữ được. Bão tan, anh ấy lấy ra phơi”, anh Đức kể. Tôi hỏi lúc hai anh em chia tay là ngày mấy, Đức đáp: “Không biết nữa anh ơi. Sau bão thì em không biết gì ngày tháng luôn, sợ quá không biết gì luôn”.
Anh Cư xuống Mindanao, sau đó lên Manila và về Việt Nam an toàn nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, hiện ngụ tại phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Còn anh Đức ở lại Tacloban. “Tình hình kinh khủng lắm anh ơi. Mấy ngày đầu thì sợ bão lũ lại ập đến, sợ đói rét, mấy ngày sau thì sợ nạn cướp của, giết người. Em trú trong nhà dân địa phương, có đêm bọn trộm trèo nhà vào, sau đó em phải tới đồn cảnh sát ở”, Đức kể. Qua mấy ngày cầm cự, cuối cùng Đức đi nhờ xe một gia đình người Philippines lên thành phố Calbayog ở đảo Samar, rồi từ đấy đi phà sang đảo Luzon và tiếp tục đi xe đò lên Manila.
“Đường đi cực lắm. Mình đi nhờ xe người ta, mà xe thì không đủ xăng. Cả vùng không kiếm đâu ra xăng. Đi được một đoạn, gia đình người Philippines kia phải dừng lại kiếm xăng để chạy tiếp. Không biết bao nhiêu ngày mới tới được Manila”.
Lúc 11 giờ trưa 18.11, anh Nguyễn Hữu Đức từ thành phố chết Tacloban đến gõ cửa Đại sứ quán Việt Nam ở Manila. Tại đây, anh được Đại sứ Trương Triều Dương tặng quà, anh em cán bộ gom góp chút ít tiền để anh mua vé máy bay về nước. Đại sứ quán cũng tốc hành xác minh để làm giấy thông hành cho anh. Đến lúc 16 giờ 30 chiều cùng ngày, ông Dương Đình Chiên, Bí thư thứ nhất, đã trao giấy tờ cho Nguyễn Hữu Đức. Đường về nhà mở ra trước mặt.
Anh Đức sinh năm 1974, trú tại Cồn Giữa, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Anh mới đến Philippines ngày 15.7.2013. Tại Tacloban, anh làm nghề bán quần áo và cho vay tiền.
“Tiền đâu mà anh cho vay?”, tôi hỏi. Đức đáp: “Em lên Manila mua quần áo, giày dép về bán. Dành giụm được đồng nào thì cho người ta vay lấy lãi”. “Đến nay mất sạch rồi à?” “Mất hết rồi. Nhưng em không tiếc. Giữ được mạng sống là quý rồi. Người vay tiền mình, có người đã chết, có người chạy nạn tứ phương, làm sao đòi được, nỡ nào đòi được”.
Chúng tôi trò chuyện tới chập tối thì Đức xin phép đi tới nhà một người quen ở Manila. Anh nói: “Em không ngờ mình sống được tới ngày hôm nay. Em cảm ơn tất cả mọi người. Trên đường đi, em được người Philippines giúp đỡ rất nhiều. Họ tốt lắm. Về tới đây, Đại sứ quán cũng tạo điều kiện và giúp đỡ. Cuối cùng em sắp được về nhà”.
Đức bước đi trong ánh hoàng hôn, giữa phố xá Manila ồn ào. Con người rắn rỏi nhưng đang tả tơi này vừa trở về từ cõi chết. Anh rời quê nhà để mưu sinh, nhưng rốt cuộc trở về tay trắng. “Giữ được mạng sống là quý rồi, còn đòi hỏi gì nữa anh. Tai họa từ trên trời giáng xuống thì làm sao tránh được”, Đức đã nói với tôi trước lúc chia tay.
Vâng, dù tả tơi, nhưng anh đã giữ được mạng sống để trở về nhà, nơi người vợ Khương Thị Hiền và hai người con nhỏ đang ngày đêm trông ngóng.
Gần 10 ngày thức trắng ngóng tin chồng Hôm qua, liên lạc với chị Khương Thị Hiền (40 tuổi, vợ anh Nguyễn Hữu Đức) nghe giọng chị mừng rỡ trong điện thoại. “Đã 10 ngày nay đêm nào tôi cũng thức trắng vì cứ mong ngóng và lo lắng cho số phận của ảnh. May sao giờ biết ảnh bình an nên đêm qua tôi chợp mắt được”. Vợ chồng chị Hiền và anh Đức đã sinh sống ở Philippines được 5 năm. Hai anh chị có với nhau được hai mặt con. Từ ngày có cháu thứ hai, chị Hiền mới về sống hẳn ở Nha Trang. “Hôm thứ sáu bão vào tôi không nghĩ quét qua chỗ ảnh ở, đến chủ nhật lên mạng thì biết tin và cũng từ đó không liên lạc được với ảnh” - chị Hiền nhớ lại. Đó có thể coi là khoảng thời gian khủng hoảng nhất với người mẹ và hai đứa con thơ. Một tuần lễ, được người anh rể của chồng là Nguyễn Hữu Cư thông báo là anh Đức còn sống, chị Hiền vẫn không tin đó là sự thật. “Lúc ấy, tôi nghĩ anh Cư gọi để an ủi tôi mà thôi”. Anh Cư là một trong những người Việt đặc biệt về từ tâm bão Haiyan, khi cách đây 3 ngày anh bay từ Philippines về Việt Nam. “Khi ở sân bay, anh Cư nói tôi cứ gọi thử số của anh Đức xem sao vì đã tìm được ảnh. Tôi gọi thử thì ảnh bắt máy, mừng quá không biết nói thế nào”. Chị Hiền cho biết thêm, hiện anh rể của anh Đức là Trương Quang Sỹ vẫn còn đang trong vùng nguy hiểm. “Vợ anh Sỹ là chị Nguyễn Thị Gái mấy ngày nay cứ nằm vật lên vật xuống vì lo cho ảnh. Nhờ nhà báo tìm cách nào để đưa anh Sỹ đến vùng an toàn” - chị Hiền cầu cứu. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện anh Sỹ đang ở Tanawan (cách Tacloban 30 km) và đang tìm mọi cách để di chuyển về thủ đô Manila. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Manila đã tiếp nhận thông tin về anh Sỹ và đang tìm cách giúp đỡ. Thành Trung |
Đỗ Hùng
(từ Manila, Philippines)
>> Trung Quốc sẵn sàng gửi nhân viên y tế đến Philippines
>> Nhật mang công nghệ X-quang hiện đại sang Philippines
>> Báo Trung Quốc giục gửi tàu chiến sang viện trợ Philippines
>> Philippines phải chôn tập thể nạn nhân siêu bão Hải Yến
>> Philippines, LHQ 'chỏi nhau' về số người chết do siêu bão
>> Đã tiếp cận được người Việt ở Ormoc, Philippines
Bình luận (0)