|
Lợi nhuận tăng 71%
Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chủ yếu từ kinh doanh xăng dầu) quý 3 của Petrolimex đạt 569,3 tỉ đồng (tăng gần 60% quý 3/2012), đưa lợi nhuận kinh doanh 9 tháng đầu năm lên tới 1.051 tỉ đồng, tăng 71% so với lợi nhuận kinh doanh cùng kỳ năm 2012 (612 tỉ đồng). Lợi nhuận ròng của Petrolimex chỉ trong quý 3/2013 đã đạt 637,5 tỉ đồng, tăng gần 45%; 9 tháng đạt 1.418,7 tỉ đồng, tăng 57% so cùng kỳ 2012.
Trong quý 3, Petrolimex chỉ điều chỉnh tăng giá một lần (460 đồng/lít xăng), giảm giá một lần (300 đồng/lít xăng). Trong suốt quý này, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu luôn duy trì ở mức cao trên 24.000 đồng/lít. Mỗi lần điều chỉnh tăng giá, nguyên nhân được Petrolimex cũng như các doanh nghiệp (DN) xăng dầu khác đưa ra là giá thế giới tăng, DN lỗ vì nhập hàng giá cao. Nhưng nếu nhìn vào thực tế tồn kho xăng dầu của Petrolimex sẽ không thấy điều này. Trong quý 3, tồn kho xăng dầu lên tới 4.194 tỉ đồng (số đầu năm chỉ là 336 tỉ đồng). Trữ xăng với khối lượng lớn trong điều kiện chi phí lãi vay giảm, tỷ giá thuận lợi giúp DN này có lợi thế rất lớn khi tính giá cơ sở theo bình quân 30 ngày.
|
Một so sánh nhỏ để thấy, sự thiếu sòng phẳng cũng như cách sinh lời của các công ty xăng dầu. Hiện giá xăng A92 tại thị trường Singapore cũng đang giảm mạnh, chốt phiên giao dịch ngày 20.11 giá xăng A92 chỉ ở mức 111,84 USD/thùng, giá bán lẻ xăng trong nước là 23.630 đồng/lít. Nhưng trong 6 tuần qua, giá có khi giảm dưới 110 USD/thùng thì mức giá bán lẻ xăng vẫn giữ nguyên. Giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, DN nhập khẩu hằng ngày tuy nhiên quy định 30 ngày mới được điều chỉnh thay đổi giá đã giúp các DN xăng dầu kiếm khủng.
Đề nghị xem lại cơ chế tự định giá xăng dầu tạo đang thuận lợi quá lớn cho Petrolimex và DN xăng dầu khác có lãi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng Nghị định 84 sửa đổi vẫn duy trì cơ chế tự định giá thì vô nghĩa. “Thị trường xăng dầu đang là độc quyền nhóm, nhất là Petrolimex giữ vị trí thống lĩnh, không thể để cơ chế DN tự định giá, vì đây cũng là bức xúc lớn nhất của người tiêu dùng”, ông Long nói.
Lãi được “bảo hành”
Theo ông Ngô Trí Long, lãi của Petrolimex có được nhờ hưởng lợi từ giá bán chênh lệch so với giá cơ sở, vì thế cần xem xét cơ chế điều hành giá cũng như cơ chế hình thành giá, trong đó có lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh. Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, công cụ điều chỉnh, hỗ trợ giá của nhà nước thông qua quỹ bình ổn giá và tính lợi nhuận định mức (100 - 300 đồng/lít) đang mang lại lợi nhuận đáng kể cho Petrolimex và các DN xăng dầu khác. “Cần xem lại việc tính lợi nhuận định mức trong tính giá cơ sở. Lợi nhuận định mức chỉ phù hợp khi DN hoạt động công ích và chịu lỗ để bình ổn giá. Nhưng khi DN đã được hỗ trợ từ công cụ bình ổn giá và liên tục có lãi, thì phải bỏ lợi nhuận định mức mới công bằng với người tiêu dùng”, chuyên gia này khuyến nghị.
Luôn khẳng định đi theo cơ chế thị trường và cũng đã là công ty đại chúng, nhưng việc duy trì lợi nhuận định mức ngay trong giá cơ sở đã khiến các DN xăng dầu được “bảo hành” lợi nhuận. Đơn cử, tính từ đầu tháng 10 cho đến nay, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục đi xuống, trong đó giá dầu WTI tại Mỹ đã có 6 tuần giảm liên tục. Nếu tính bình quân, giá xăng dầu thế giới tháng 10 giảm khoảng 3% so với tháng 9. Giá xăng A92 thành phẩm nhập tại thị trường Singapore bình quân trong tháng 10 ở mức 111,41 USD/thùng. Sau khi trừ thuế, phí, trích quỹ bình ổn... đối với mặt hàng xăng, DN kinh doanh xăng dầu lỗ khoảng 82 đồng/lít. Tuy nhiên, do được sử dụng quỹ bình ổn giá 200 đồng/lít đối với xăng nên thực tế họ lãi 118 đồng/lít. Chỉ cần tăng giá nhích thêm 100 đồng/lít, con số lợi nhuận không nhỏ bởi số lượng sản phẩm bán ra lớn.
Mai Hà - Nguyên Nga
>> Hơn 98% đơn vị kinh doanh xăng dầu bị kiểm tra có vi phạm
>> Tăng kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu
>> Sẽ kiểm toán kinh doanh xăng dầu tại Petrolimex
>> Yêu cầu báo cáo hoạt động kinh doanh xăng dầu
>> Xử lý 151 trường hợp vi phạm kinh doanh xăng dầu
Bình luận (0)