Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013 - Ảnh: Q.M.N |
Những thông tin đáng mừng
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013, thông tin thời gian qua tại ĐBSCL đã có 138 dự án kêu gọi đầu tư với số tiền hơn 416.050 tỉ đồng và trên 1,8 tỉ USD. Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư này, nhiều tỉnh thành đăng ký trao chứng nhận đầu tư cho 26 dự án có tổng kinh phí 6.094 tỉ đồng và gần 100 triệu USD. Còn theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu thì từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp vùng ĐBSCL đã thu hút trên 350 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 3,5 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 200.000 lao động.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 9.2013, các tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng cam kết đầu tư tín dụng đối với 7 dự án điện trong vùng, với tổng mức đầu tư gần 27.600 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Du, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), cho biết tại ĐBSCL, Vietinbank đã và đang đầu tư khoảng 500 dự án với tổng vốn trên 10.000 tỉ đồng. Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Công ty De Heus Việt Nam, cho biết De Heus là tập đoàn thức ăn chăn nuôi đến từ Vương quốc Hà Lan. Sau gần 5 năm có mặt tại Việt Nam, De Heus đã xây dựng 3 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và 1 nhà máy thức ăn thủy sản ở Vĩnh Long. Trong năm 2014, De Heus sẽ đầu tư thêm 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Vĩnh Long với mức vốn đầu tư dự kiến là 15 triệu USD…
Kiến nghị, đề xuất
|
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư FDI, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động rà soát chính sách, hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai... Tại diễn đàn hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong xây dựng và triển khai những chính sách khuyến khích đầu tư, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ĐBSCL cần phải đột phá mạnh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh hơn nữa liên kết vùng... “Trường ĐH Cần Thơ phải sớm được nâng lên như một ĐH quốc gia. Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL cần sớm được ra đời”, ông Hà kiến nghị. Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đề xuất bộ, ngành T.Ư cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng cho ĐBSCL; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong ngoài nước; hình thành cổng thông tin điện tử chung của vùng ĐBSCL để thu hút và kêu gọi đầu tư…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng ĐBSCL là vùng đất còn đầy tiềm năng. Do vậy các địa phương trong vùng cần chủ động rà soát quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất gắn với thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, coi việc giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư giống như giải quyết cho chính mình. “Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư. Tôi đề nghị các bộ ngành T.Ư đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn và giúp kêu gọi đầu từ ngày càng nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL”, Phó thủ tướng nói.
Quang Minh Nhật
Bình luận (0)