Cơn lũ đi qua đã một tuần rồi nhưng những gì mà nó để lại thì hết sức tang thương. Sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh người già đi mót lại vài bộ quần áo cũ của con cháu bị vùi trong bùn rồi đem đi giặt; các em nhỏ đi nhặt từng cuốn vở bèo nhèo như bánh ướt rồi đem phơi để có cái mà học; nhiều phụ nữ nức nở bên xác những con bò, con heo chết nước sắp trương sình. Thật quá cám cảnh khi phải chứng kiến tất cả những gì đã và đang diễn ra tại vùng lũ như thế. Các phương tiện truyền thông và ngay trên diễn đàn Quốc hội đang họp tại Hà Nội, nhiều người đang phân tích, mổ xẻ để tìm nguyên nhân của trận đại hồng thủy vừa rồi. Tuy nhiên, bây giờ không phải là lúc truy tìm nguyên nhân để “bắt tội” nhau mà là tìm các giải pháp tối ưu nhất để cứu người dân vùng lũ đang trắng tay sau hoạn nạn. Vậy người dân vùng lũ đang cần gì?
Ngay sau lũ, rất nhiều đoàn cứu trợ đã có mặt tại những nơi thiệt hại nhất. Hình ảnh quen thuộc mà người dân miền Trung đã chứng kiến lâu nay lại tái diễn: những thùng mì tôm, những chiếc áo lạnh... đã xuất hiện đúng lúc, đúng nơi. Tuy nhiên, những món quà “nóng” như thế cũng chỉ mang ý nghĩa “phủi nóng” mà thôi. Giờ mà mang tặng những thứ ấy thì thành “nguội” mất rồi. Ấy vậy mà tại nhiều vùng lũ hiện nay, nhiều đoàn cứu trợ vẫn mang theo những kiện hàng thật to, bên trong là những hộp sữa đã sắp hết hạn sử dụng, những thùng mì tôm cũng sắp đến giới hạn cuối cùng để có thể ăn được. Đặc biệt, có những đoàn cứu trợ mang theo toàn quần áo đã “quá đát”, như thể đây là dịp để các “lòng tốt” tuồn đồ cũ trong nhà mình một cách nhanh nhất và cũng “hợp lẽ” nhất.
Đã có hàng chục ngàn căn nhà bị sập hoặc hư hỏng nặng thì cái cần cho bây giờ là những tấm tôn. Đã có hàng trăm ngàn cuốn vở, quyển sách của các em bị bùn nhuộm đỏ thì cái cần bây giờ là sách mới vở mới. Đã có hàng vạn con gia súc bị chết nước thì cái cần bây giờ của người nông dân là sự mong mỏi đồng bào cả nước giúp họ sớm nhất để cảnh trắng tay không kéo dài thêm nữa. Các đoàn cứu trợ lúc này nên cho dân bằng tiền mặt để họ “cơ động” trong mua sắm những cái mình cần. Các ngân hàng cũng nên “tiếp sức” cho dân bằng việc giãn nợ hoặc cho vay thêm để họ sớm triển khai vụ sản xuất đông xuân đã cận kề. Cái “cần” cuối cùng là các đoàn cứu trợ nên đi phát trực tiếp, có sự hướng dẫn của chính quyền hoặc đại diện các cơ quan báo chí để tránh tình trạng chỗ nào giao thông thuận tiện thì nhận hàng nhiều, nơi nào đường đi lại khó khăn thì người dân không nhận được gì từ các nhà hảo tâm.
Hải Viên
Bình luận (0)