Giữ chân người lao động

28/11/2013 03:10 GMT+7

“Sự thật là chúng ta đang ở trong suy thoái kinh tế nên cần sống với niềm hy vọng rằng trong nguy có cơ”, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vissan nói.

Theo ông Mười, việc đãi ngộ nhân sự phải có kế hoạch lâu dài từ lúc mới hình thành công ty chứ không phải đợi đến lúc chảy máu chất xám. Ông Mười nhấn mạnh: “Làm sao tạo một môi trường làm việc tuyệt vời, lương thưởng xứng đáng và công bằng, để người ta đi đâu cũng thấy không bằng nơi đây”.

Là nhân viên làm về nhân sự, anh Nguyễn Thành Hưng nêu quan điểm: “Theo tôi, đây là thời buổi cạnh tranh doanh thu, lợi nhuận, chúng ta nói chuyện với nhau bằng quy chế, luật, trách nhiệm. Do vậy, người quản lý trực tiếp cần có sự đồng cảm, quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên. Ví dụ như dự sinh nhật, tất niên, bữa cơm thân mật, đi thăm gia đình nhân viên, cùng đi du lịch... Tuy nó không lớn nhưng con người ai cũng cần một chữ tình”.

Còn theo chị Đỗ Thị Phương Thảo (làm việc trong một công ty quảng cáo ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), phải biết từng bộ phận, từng nhân viên cần cái gì để có chính sách đãi ngộ phù hợp. Chẳng hạn, ngoài việc quan tâm đến đời sống tinh thần thì công nhân cần tăng lương, còn cấp quản lý cao hơn là muốn được đào tạo, được công nhận cống hiến...

Nhận xét về đội ngũ lao động trẻ hiện nay, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Group, cho rằng đây là lớp người có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh nhạy và có nhiều cơ hội, thông minh hơn. Chính đặc tính này khiến người trẻ muốn dấn thân, thậm chí xả thân khi có niềm tin. “Phải xây dựng niềm tin cho người lao động để họ dấn thân, xả thân. Mặt khác, họ phải được thụ hưởng xứng đáng kết quả lao động của mình”, ông Chiến nói.

Thường xuyên tham gia hoạt động tư vấn nhân sự, ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Le & Associates, cho biết có khoảng 90% doanh nghiệp đặt trọng tâm đãi ngộ về tiền lương. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ mang tính cào bằng, không đúng người đúng việc. Theo ông Đức, quản trị nhân sự hiện nay đa phần còn làm theo cảm tính, thiếu tính hệ thống, nên khó về quản lý con người.

Tuy nhiên nhiều lao động trẻ đã chỉ ra 3 lý do phổ biến nhất mà doanh nghiệp không giữ được người tài: lương, đãi ngộ không xứng đáng đóng góp của họ; môi trường làm việc không phù hợp, nhân tài có nhiều sự lựa chọn nên họ tìm nơi khác để phát triển; chưa cảm nhận định hướng của công ty phù hợp với định hướng của cá nhân.

Nguyễn Như

>> Trục lợi người lao động trẻ
>> 200 đầu việc cho người lao động
>> Nên lấy ý kiến người lao động
>> Ngày của người lao động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.