|
Trước đó, NSND Đoàn Dũng nhìn nhận, xã hội có nhiều cống hiến tuyệt vời của các ngành từ kinh tế, giáo dục, văn hóa… Nhưng song hành đó cũng có nhiều điều băng hoại về đạo đức, mất niềm tin. “Những thành tựu lớn không lấp đầy được sự mất niềm tin đó thì làm sao có được tác phẩm nghệ thuật lớn, có giá trị tư tưởng? Những tác giả trước đây yêu nước vô cùng mới có những tác phẩm tuyệt vời, để lại dấu ấn. Một nghệ sĩ không yêu nước, không có niềm tin với đất nước làm sao có tác phẩm hay? Đây là sự báo động đỏ về niềm tin của chúng ta với đất nước. Chúng ta phải có chiến lược lâu dài để giữ được niềm tin này, nhất là lớp trẻ”, ông nhấn mạnh.
Tại sao chúng ta chưa có tác phẩm xứng tầm ?
|
Nhà văn Chu Lai cho rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay gánh vác trên vai trọng trách và câu hỏi chưa có lời giải đáp: Tại sao chúng ta chưa có tác phẩm xứng tầm?
Ông lý giải: “Cuộc sống càng bừa bộn, càng có nhiều chuyện thì văn học nghệ thuật có nhiều điều kiện để khai thác. Cuộc sống hôm nay rất nhiều “mùi” tiểu thuyết, điện ảnh, sân khấu mà tại sao chưa có tác phẩm đỉnh cao? Tất cả những cuộc hiệu triệu, hội thảo, vận động sáng tác lớn không làm nên tài năng văn học nghệ thuật… Có một thời chúng ta quá lệ thuộc vào các học thuyết, viết theo vòng kim cô, ngồi vào bàn là tuân thủ theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện thực phê phán, hiện đại, hậu hiện đại… mà quên đi điều cốt lõi chủ nghĩa hay nhất là làm sao lay động trái tim con người”.
Tham luận tại hội thảo, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng nguyên nhân chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao là do chưa xuất hiện thiên tài văn chương; thiếu vắng nhà văn có tư tưởng lớn; chưa đam mê quyết liệt, không dấn thân tận cùng; nhà văn đang bị tán tài (vừa phải làm công chức, vừa sáng tác); nhà văn thiếu sự liên tài (ít cảm thụ tác phẩm của các ngành nghệ thuật khác, ít đọc các tác phẩm của nhau, không phục nhau, thích bới lông tìm vết…); nhà văn thiếu những bi kịch lớn (bởi cuộc sống phẳng lặng, ổn định khiến nhà văn không thể đau đớn, dằn vặt, bị khắc khoải hoặc bị giày vò, từ đó tạo nên chất liệu văn chương); nhà văn bị biên tập dữ dội khiến sợ hãi tự biên tập mình...
“Sợ bị chụp mũ, bị định kiến”
|
Trong khi đó, GS-TS-NSND Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, phân tích: “Bản chất của thế giới tự nhiên và xã hội là mâu thuẫn và xung đột. Chính điều này làm xã hội loài người phát triển. Đáng tiếc tính xung đột của sân khấu đã bị thuyết vô xung đột ở Liên Xô cũ phủ nhận vào những năm 1950. Thuyết này cho rằng trong xã hội chủ nghĩa, mâu thuẫn giai cấp đối kháng đã được giải quyết, không có xung đột thật sự mà chỉ có mâu thuẫn giữa cái tốt và cái tốt hơn. Những vở kịch như Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Mùa hè ở biển... sau này từng được khẳng định và tặng thưởng nhưng trước đó phải duyệt lên duyệt xuống nhiều lần. Người xem có cảm tưởng sân khấu hôm nay chưa trăn trở với những vấn đề họ chờ đợi. Không dám đề cập đến xung đột thì khó có tác phẩm đỉnh cao”.
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, thực trạng hiện nay là một số văn nghệ sĩ vẫn còn tâm lý e dè, ngại bộc lộ chính kiến, còn thờ ơ, né tránh mặt trái của đời sống xã hội, những biểu hiện tiêu cực của bộ máy công quyền vì sợ bị “chụp mũ”, bị “định kiến”… Vì vậy nghệ sĩ chưa dám dấn thân, chưa hết mình cho đứa con tinh thần của mình nên sáng tác của họ không phản ánh được khát vọng nhân dân, không phải tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội. Đó cũng là cội nguồn thực trạng chưa có tác phẩm đỉnh cao.
Tuy nhiên, PGS-TS Đào Duy Quát nói thẳng: “Văn học nghệ thuật phải chịu trách nhiệm một phần trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay”.
|
Nhiều ý kiến cũng nêu rõ chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp trong phê bình bị xem nhẹ, xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả, tác phẩm cũng là nguyên do ít kích thích sự sáng tạo.
“Lực lượng trẻ đang xếp hàng, rất sung sức”
Nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng đóng góp của các nhà văn trẻ trong 15 năm nay là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các nhà văn trẻ đang khai chiến với những hoang mang, bất ổn, phập phù mà con người đang phải chịu. Họ hiện đang tìm tòi và chúng ta cần khẳng định họ. Phải mạnh dạn thể nghiệm và dấn thân trong sáng tác.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng nhất trí với việc cần bồi dưỡng các nhà văn trẻ vì “lực lượng trẻ đang xếp hàng, rất sung sức, cập nhật được nhiều hơi thở trên thế giới. Chúng ta cần quan tâm thiết thực hơn nữa, chứ không phải chỉ quan tâm bề ngoài, bởi họ chính là tương lai cho nền văn học Việt Nam”.
Theo đạo diễn Nguyễn Thước, khuyến khích sáng tác tốt nhất là “mang lại một môi trường mà ở đó sự sáng tạo của người nghệ sĩ được tôn trọng dù cho là những sáng tạo lạ lùng nhất, phi lý nhất. Lúc đó nghệ thuật mới thực sự có cơ hội phát triển”.
Diễn ra trong hai ngày (27 và 28.11) tại TP.HCM, hội thảo với chủ đề: Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp do Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư tổ chức quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, những nhà quản lý văn hóa cả nước tham dự, đưa ra hiện trạng cùng những giải pháp cho ngành. 70 tham luận của đại biểu dự hội thảo trong đó có những bài viết đáng chú ý như: Thị hiếu thẩm mỹ - thực trạng, sự biến đổi và vấn đề giáo dục thẩm mỹ (GS-TS Đinh Xuân Dũng), Đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu, điện ảnh - một số vấn đề đặt ra (PGS-TS Trần Thanh Hiệp), Tác phẩm văn học đỉnh cao và vai trò của lý luận, phê bình (nhà báo Nguyễn Hòa), 8 lý do chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao (nhà văn Sương Nguyệt Minh), Mấy giải pháp nâng cao chất lượng điện ảnh (nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát)… |
Đỗ Tuấn - Ngọc Bi
>> Tác phẩm nghệ thuật của Donna Summer “đắt hàng”
>> Tác phẩm nghệ thuật từ... muối
>> Sáng tác tác phẩm nghệ thuật, báo chí chủ đề Học và làm theo Bác
>> Tác phẩm nghệ thuật từ đồ “lạc xoong”
>> Tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Bình luận (0)