Trước đây chúng ta thường hay phê phán chính sách trả lương cho người lính của một số nước, coi đó là chế độ “lính đánh thuê”.
Chúng ta chỉ quan niệm nhập ngũ là làm nghĩa vụ với Tổ quốc, cho nên không đặt ra vấn đề lương cho quân nhân. Đây là nhận thức rất cũ, cần thay đổi. Đã đến lúc nên coi quân nhân là một nghề.
Có lẽ chúng ta có thói quen thấy cái gì hơi lạ là phản đối. Vấn đề “nghĩa vụ quân sự thay thế” là một ví dụ.
Mô hình này đã có ở các nước tiên tiến từ lâu, bây giờ đưa vào Việt Nam thì lại bị phản đối.
|
Dường như vấn đề “tiền” thay thế nghĩa vụ quân sự làm cho chúng ta thấy “nhạy cảm” nên khó chấp nhận hơn là các biện pháp khác như lao động công ích chẳng hạn. Vì thế có người phát biểu rằng nghĩa vụ của Tổ quốc thì không thể thay thế bằng tiền.
Có nhiều vấn đề của một xã hội tiến bộ mà chúng ta nên làm quen. Thí dụ vấn đề đóng tiền bảo lãnh để cho những nghi can tại ngoại mà Bộ Tư pháp đang thăm dò dư luận. Đây là vấn đề hết sức bình thường ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam vẫn có sự e ngại.
Có người cho rằng tội phạm là tội phạm, không thể dùng tiền để đổi lấy tự do. Hoặc như vấn đề thay thế biện pháp giam giữ gái mại dâm bằng phạt tiền trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Quốc hội đã thông qua, luật đã có hiệu lực thi hành rồi nhưng báo chí, dư luận cứ phản đối mãi, cứ muốn bắt giam gái mại dâm vào trường trại như trước đây thay vì cho họ nộp phạt tiền.
|
Trở lại với vấn đề nghĩa vụ quân sự. Bây giờ là thời bình, nhu cầu gọi nhập ngũ chỉ 5%. Còn đến 95% không phải nhập ngũ. Trong khi đó, con số thanh niên đến độ tuổi nhập ngũ hằng năm lên đến cả triệu người.
Nếu quy định những người không nhập ngũ phải đóng tiền thay thế cho nghĩa vụ của họ thì chúng ta thu được một khoản rất lớn vào ngân sách quốc phòng. Số tiền này có thể làm được nhiều việc, trong đó thiết thực nhất là trả lương cho quân nhân.
Tới đây tôi xin nói về vấn đề lương cho quân nhân. Trước đây chúng ta thường hay phê phán chính sách trả lương cho người lính của một số nước, coi đó là chế độ “lính đánh thuê”. Chúng ta chỉ quan niệm nhập ngũ là làm nghĩa vụ với Tổ quốc, cho nên không đặt ra vấn đề lương cho quân nhân. Đây là nhận thức rất cũ, cần thay đổi. Đã đến lúc nên coi quân nhân là một nghề.
Chỉ có thời chiến thì mới áp dụng chính sách tổng động viên, mọi thanh niên trai tráng phải ra trận. Còn thời bình, phải nghĩ khác đi. Nếu quan niệm quân nhân là nghề, thì quân đội sẽ chuyên nghiệp hơn. Vì khi coi là nghề để thanh niên chọn lựa thì họ sẽ yêu thích công việc hơn, sẽ làm tốt hơn.
|
Quan niệm quân nhân là một nghề sẽ giúp chọn lọc ra được những thanh niên yêu thích lập nghiệp bằng con đường binh nghiệp. Những người đó, dĩ nhiên sẽ toàn là những thanh niên khỏe mạnh, can trường.
Với những người này, nếu được chọn giữa nộp tiền và nhập ngũ, họ sẽ chọn nhập ngũ. Chúng ta đừng cho rằng mọi thanh niên đều có tư tưởng né tránh việc nhập ngũ. Nếu nói như vậy thì tại sao tỷ lệ chọi vào các trường quân đội hằng năm hiện rất cao, cao hơn khá nhiều trường dân sự?
Ý tưởng thay thế nghĩa vụ quân sự bằng nộp tiền là một ý tưởng hay, cần được ủng hộ. Bên cạnh đó cũng nên dần thay đổi quan niệm coi việc gia nhập quân đội của thanh niên là một lựa chọn nghề nghiệp thay vì thực hiện nghĩa vụ như hiện nay.
Mong Quốc hội hết sức cân nhắc vấn đề này để từng bước hiện đại hóa quân đội của chúng ta.
Luật gia Trần Đình Thu
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, là một luật gia, nhà báo sống tại Việt Nam. Xin chia sẻ với Thanh Niên Online ý kiến của bạn về vấn đề này.
Bình luận (0)