|
Để Hiến pháp đi vào đời sống
Chủ tịch QH gọi "đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp QH về tên gọi chính thức của Hiến pháp mới được thông qua có kèm theo mốc thời gian hay không, ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch QH cho hay: tên của Hiến pháp sau khi được QH thông qua là Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, không nêu năm nào vì chúng ta hiểu rằng ở nước CHXHCN Việt Nam chỉ có duy nhất một bản Hiến pháp.
|
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có bao nhiêu phần trăm ý kiến góp ý của nhân dân đã được tiếp thu để sửa đổi Hiến pháp lần này, ông Uông Chu Lưu cho rằng: Việc ngồi để đếm, để tính có bao nhiêu ý kiến của người dân góp ý vào dự thảo Hiến pháp đã được tiếp thu vào bản Hiến pháp mới được thông qua không phải việc khó nhưng “liệu có cần thiết phải làm việc đó hay không”, ông Lưu nói. Theo Phó chủ tịch QH, làm thế nào để đưa Hiến pháp vào cuộc sống, mới là vấn đề quan trọng.
Không thu hồi đất chỉ vì lợi ích của DN
Trước băn khoăn của báo chí về việc quy định thu hồi đất như luật Đất đai (sửa đổi) mới được thông qua liệu có quá rộng hay không, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng: trên cơ sở Hiến pháp được thông qua thì điều 62 của luật Đất đai đã được thay đổi tên điều là thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.
Ông Quang lý giải: Quy định về thu hồi đất này đi theo 3 nội dung: theo thẩm quyền của QH, theo thẩm quyền của Chính phủ, theo thẩm quyền của HĐND, UBND. Các nội dung quy định rất cụ thể, việc thu hồi đất theo quy định mà luật Đất đai vừa thông qua sau này sẽ rất chặt chẽ, khắc phục được tình trạng khiếu kiện, vướng mắc, khó khăn trong thời gian vừa qua. Những dự án nào chỉ vì lợi ích của riêng ví dụ của một DN nào đó thì sẽ không được phép thu hồi đất- ông Quang khẳng định.
Yêu cầu rà soát án oan
Nghị quyết về Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 được QH khóa XIII thông qua, QH đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho các bộ trưởng. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, Chánh án TAND tối cao và ngành tòa án nói chung cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ tòa án. Ngành tòa án cần nâng cao chất lượng xét xử ở tất cả các cấp, bảo đảm phán quyết của tòa án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Cũng trong chiều qua, QH đã thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn ban hành.
Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2014 Sáng qua, với 448 ĐBQH tán thành trên tổng số 473 ĐB có mặt, QH đã thông qua luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương, 212 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014. Luật quy định: QH ban hành luật, nghị quyết về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước. HĐND các cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương. Ngoài ra, tiếp thu góp ý của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh lý lại điều 62 về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đáng chú ý là luật quy định cho phép thu hồi đất thực hiện các dự án do Thủ tướng chấp thuận, quyết định đầu tư và các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận, trong đó có dự án khu đô thị mới. Với nội dung quan trọng là giá đất, điều 113 của luật sửa đổi quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Khoản 3 điều 114 cũng được tiếp thu để bổ sung với quy định: UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Cũng theo luật sửa đổi, việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Bảo Cầm |
Tuệ Nguyễn - Thái Sơn
>> Bế mạc kỳ họp Quốc hội: Thông qua 8 luật, nhiều nghị quyết quan trọng
>> Truyền hình trực tuyến: Phiên bế mạc Quốc hội
>> Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi
>> Gần 100% đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Hiến pháp
Bình luận (0)