Kịch bản không chiến Trung - Nhật - Kỳ 2: Phục kích

06/12/2013 10:30 GMT+7

(TNO) Vào giờ G+3 ngày N trên biển Hoa Đông, trong phi vụ thường nhật, chiếc máy bay tuần tra biển P-3C của Nhật đang bay cách quần đảo Senkaku 50 dặm về phía Tây bất ngờ bị phục kích.


Các chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc - Ảnh: Chinese Military Review 

Theo kế hoạch, Orion sẽ bay về phía Tây tuần tra trên khu vực đảo Uotsuri và đảo Kuba thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và sau đó trở về căn cứ Okinawa. Cách xa 2 dặm ở hướng 8 giờ của chiếc P-3C là 2 chiến đấu cơ hộ tống F-15. Hai chiếc F-15 đã tắt hệ thống cảm biến của mình và bay theo mạng radar được cung cấp bởi chiếc E-2 Hawkeye hiện đang hoạt động trên quỹ đạo phía Tây đảo Okinawa.

Bất ngờ, chiếc Hawkeye thu nhận nhiều tín hiệu liên lạc radar không rõ danh tính, đồng thời trên màn hình hiện ra 8 đốm sáng được xác định thành 3 nhóm phi cơ lạ, và nhóm gần nhất cách chiếc P-3C 120 dặm, theo kịch bản mô phỏng của tờ Foreign Policy.

Khi phát hiện tín hiệu liên lạc radar thuộc loại 1474 của Trung Quốc, các chuyên viên phân tích tín hiệu trên chiếc E-2 đã suy luận đó có thể đó là J-11B. Và sau đó có thêm 3 tín hiệu liên lạc radar tương tự gần đó. Như vậy tổng cộng có thể là 4 chiếc J-11B của Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận chiếc máy bay tuần tra biển. 

Chiếc Orion không có khả năng tự vệ ngay lập tức quay đầu trở về căn cứ với tốc độ tối đa. Nhưng máy bay cánh quạt lớn chỉ có thể bay ở tốc độ 400 dặm/giờ, quá chậm để thoát khỏi sự săn đuổi của những chiếc J-11. Hai chiếc F-15 sẽ phải bảo vệ cho Orion rút lui đến một khoảng cách an toàn.

Hai chiến đấu cơ của Nhật ngay lập tức kích hoạt hệ thống radar và tăng tốc nhắm hướng có khả năng tiếp cận máy bay địch. Với tốc độ khoảng 1.000 dặm/giờ, 2 chiếc F-15 thu hẹp khoảng cách khá nhanh. Khi còn cách mục tiêu 56 dặm, nhóm phi cơ lạ được nhận dạng chính xác là loại J-11B. Ở khoảng cách 22 dặm, hệ thống cảnh báo tên lửa trong buồng lái những chiếc F-15 báo động các máy bay lạ đã khai hỏa tên lửa.

Nhật Bản bị tấn công

Và chiến đấu cơ hộ tống của Nhật nhanh chóng phản công. Thông thường, để dễ bắn trúng chiến đấu cơ của Trung Quốc, các phi công F-15 sẽ nhắm mục tiêu 2 chiếc J-11 với 2 quả tên lửa cho mỗi chiếc.

Nhưng hiện tại, nhiệm vụ chính của họ là cản trở cuộc tấn công của đối phương, nhằm kéo dài thời gian cho chiếc P-3C tẩu thoát. Vì thế mỗi chiếc F-15 chỉ phóng một quả tên lửa nhằm vào một chiếc J-11, và sau đó lần lượt rút lui làm vòng chờ.

Chiến đấu cơ Trung Quốc bắt đầu khai hỏa trở lại, nhưng chúng chỉ kịp phóng được 10 trong số 16 quả tên lửa PL-12 vì phải thực hiện động tác tránh né tên lửa của Nhật. Các chiến đấu cơ Trung Quốc không thể khai hỏa 3 quả tên lửa tầm xa cuối cùng của họ, và phải sớm nhào lộn trên không để tránh bị bắn hạ.

Tuy nhiên, cơ hội sống sót của 2 chiếc F-15 là rất mong manh. Mặc dù tên lửa có chất lượng kém hơn, nhưng Trung Quốc lại có lợi thế về số lượng. Hai chiếc F-15 cũng phải nhào lộn để lẩn tránh, đồng thời kích hoạt biện pháp đối phó điện tử để đánh lạc hướng tên lửa, và bung ra các đám mây bụi kim loại gây nhiễu radar.

Mặc dù mỗi quả tên lửa Trung Quốc có khả năng đánh chặn thấp, nhưng phóng một loạt 10 quả thì uy lực là cực kỳ ghê gớm. Sau khoảng một phút, hình ảnh hiển thị 2 chiếc F-15 đều chớp nháy trên màn hình radar, báo hiệu đã bị trúng tên lửa và sắp rơi.

Đồng thời, 4 quả tên lửa AAM-4 của Nhật cũng đã kịp thời hạ được một chiếc J-11. Ba chiếc J-11 còn lại cùng với 4 chiếc J-10 gầm thét trong cơn giận dữ và uất ức của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản.

Phản công

Chỉ vài giây sau khi xác định được chiến đấu cơ Trung Quốc, tốp F-15 thứ hai đang bay gần đảo Miyako ngay lập tức ngoặt sang hướng bắc để đến hỗ trợ đồng đội. Xả hết tốc lực, 2 chiếc F-15 lao đến khu vực tác chiến với tốc độ siêu âm.

Cả hai chiếc F-15 đều kích hoạt hệ thống radar của họ để thu hút sự chú ý của phi cơ Trung Quốc, với hy vọng nhử được một số chiếc ra khỏi vùng tác chiến. Nhưng chiến thuật này không hiệu quả. Các phi công thuộc tốp F-15 thứ hai đành xem các đồng đội của mình biến mất khỏi màn hình radar.

Hai chiếc F-15 còn lại ngay lập tức tập trung tấn công những chiếc J-11 đang đuổi theo chiếc P-3C. Họ khai hỏa 2 tên lửa AAM-4 nhằm vào mỗi chiếc J-11, bắt đầu với chiếc dẫn đầu. Hai chiến đấu cơ Trung Quốc bị bắn hạ và bốc cháy dữ dội.

Thoát khỏi tên lửa của địch, 2 chiếc F-15 thuộc tốp thứ hai quay trở về căn cứ. Thật ra, theo lý thuyết, họ có thể tiếp tục tấn công bằng tên lửa hồng ngoại tầm ngắn hơn, nhưng do bị áp đảo về số lượng với tỷ lệ 2 Nhật - 5 Trung, đội Nhật buộc phải rời vùng tác chiến.

Thêm vào đó, họ nắm được những thông tin mà phía Trung Quốc không biết. Đó là tại thời điểm P-3C quay đầu tẩu thoát, thì 2 chiếc F-22 của Mỹ đang trong một phi vụ huấn luyện ở phía Đông Okinawa đã bắt đầu tham chiến, và lao về phía khu vực tác chiến với tốc độ khoảng 1.000 dặm/giờ. Đó là lúc Trung Quốc phải đối diện với trận không chiến đẫm máu nhất từ trước tới nay. (còn tiếp)

Nguyên Giang

>> Hải quân Nga nhận chiến đấu cơ mới cho tàu sân bay
>> Thổ Nhĩ Kỳ điều tiêm kích chặn chiến đấu cơ Nga, Syria
>> Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến đấu cơ chặn máy bay do thám Nga
>> Trung Quốc phản đối Hàn Quốc bán chiến đấu cơ cho Philippines

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.