|
Chỉ chuyển tên để né thuế
Những năm gần đây, việc chuyển nhượng vốn góp của các tổ chức và cá nhân trong các doanh nghiệp (DN) diễn ra khá nhiều trên địa bàn TP. Thế nhưng, việc nộp thuế mới chỉ do DN tự khai nên khá khiêm tốn. Qua kiểm tra tình hình thực tế cho thấy các DN sử dụng rất nhiều dấu hiệu dùng chiêu trò để trốn thuế khi chuyển nhượng DN. Điển hình là vụ chuyển nhượng của Công ty Intel Asia Holding Limited cho công ty trong cùng tập đoàn với giá bán bằng giá vốn (100 triệu USD) nên không phải nộp thuế.
Nhiều hợp đồng chuyển nhượng vốn có phát sinh chênh lệch lớn giữa giá chuyển nhượng và giá vốn nhưng cũng không kê khai với cơ quan thuế. Ví dụ, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Phở 24. Theo thông tin đăng tải trên một số báo thương hiệu “Phở 24” được chuyển nhượng với giá 20 triệu USD (hơn 400 tỉ đồng), trong khi giá vốn chỉ 1 tỉ đồng, cho Công ty Việt Thái Quốc Tế do ông Davaid Thái làm chủ. Sau đó Công ty Việt Thái Quốc Tế đã bán 50% cổ phần từ Phở 24 cho Jollibee (Philippines) với giá trị giao dịch là 25 triệu USD. Tuy nhiên, khi cơ quan thuế kiểm tra, công ty mới chỉ đăng ký thay đổi tên người đại diện pháp luật cho ông Davaid Thái, còn tên các thành viên và tỷ lệ góp vốn không thay đổi, các bên chuyển nhượng không cung cấp hợp đồng như thông tin các báo nêu, nên cơ quan thuế chưa có cơ sở để xử lý. Hiện Cục Thuế thành phố đang yêu cầu Công ty Phở 24 giải trình.
Bán vốn gần 800 tỉ đồng không kê khai
Trường hợp khác là Công ty cổ phần y khoa Hoàn Mỹ từ năm 2010 đến nay đã chuyển sang 2 địa chỉ khác nhau tại quận 1 và đổi tên thành Công ty cổ phần y khoa Fortis Hoàn Mỹ (thuộc Chi cục Thuế quận 1 quản lý) với... 7 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty đã chuyển nhượng vốn cho cá nhân nước ngoài nhưng không kê khai, chỉ thay đổi tên người đại diện pháp luật. Sau khi bị rà soát, công ty mới lập tờ khai chuyển nhượng vốn với giá vốn là 618 tỉ đồng và giá bán là 776 tỉ đồng, phát sinh thu nhập là 157 tỉ đồng, thuế thu nhập DN phải nộp là 39 tỉ đồng. Thế nhưng, cá nhân làm thủ tục xin miễn thuế theo hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Singapore. Hiện Cục Thuế TP đang yêu cầu đơn vị này giải trình.
Hay Công ty PT Global Investment, đã tăng vốn từ 1 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng, sau đó thành viên góp vốn 48% bán cho cá nhân nước ngoài với giá 48 tỉ đồng, không phát sinh thuế phải nộp. Hiện trụ sở công ty này không còn tại địa chỉ kinh doanh. Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh bất động sản Ê KE khi lập tờ khai thuế thu nhập DN lại đưa số lỗ của việc chuyển nhượng vốn để giảm số thuế thu nhập DN phải nộp khi quyết toán năm. Hiện Cục Thuế đang cho tiến hành kiểm tra để xác định lại việc chuyển nhượng vốn thực tế có phát sinh lỗ như DN đã kê khai.
Trước thực trạng trên, UBND TP đã kiến nghị Bộ Tài chính quy định DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì bắt buộc phải lập hóa đơn để kê khai nộp thuế GTGT và nộp thuế thu nhập DN theo quy định. DN nhận chuyển nhượng vốn của các DN khác nếu không có hóa đơn hợp pháp thì không được tính vào chi phí (giá vốn nhận chuyển nhượng) khi tính thuế thu nhập DN. DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn chuyển nhượng (nếu trước đây nhận chuyển nhượng thanh toán không dùng tiền mặt). Trường hợp chuyển nhượng vốn mà không có hóa đơn (đối với tổ chức), chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế (đối với cá nhân) theo quy định nêu trên thì DN nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân chuyển nhượng vốn. Những quy định trên, UBND TP đề nghị áp dụng kể từ ngày 1.1.2014.
Đình Sơn
Bình luận (0)